Thuế là nguồn thu lớn nhất và quan trọng nhất trong thu ngân sách Việt Nam cũng như ở hầu hết các nước trên thế giới. Từ sau năm 2006, tỷ trọng thu thuế trong tổng thu ngân sách của Việt Nam giữ vững quanh mức 80%. Tỷ trọng này giảm xuống còn khoảng 75% còn thu từ phí, lệ phí và các nguồn thu không phải từ thuế tăng một cách tương đối trong cơ cấu thu ngân sách trong vài năm gần đây. Tổng thu thuế của Việt Nam có xu hướng giảm theo tỷ trọng GDP sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007. Kể từ 2011, tỷ lệ thuế trên GDP danh nghĩa của Việt Nam ổn định ở quanh mức 18%. Nói cách khác, tốc độ tăng của thu thuế là tương đương với tốc độ tăng của GDP danh nghĩa.

Từ 2006 đến nay, cơ sở thu thuế của Việt Nam mở rộng với tốc độ ổn định. Xét cơ cấu của các loại thuế trong thu ngân sách Việt Nam, có thể thấy nòng cốt của nguồn thu ngân sách hiện nay là thuế giá trị gia tăng (chiếm 33,27% tổng thu thuế). Mặc dù thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn là khoản thu quan trọng trong các nguồn thu ngân sách (chỉ đứng sau thuế GTGT), giá trị danh nghĩa đến từ nguồn thu này đã ngừng tăng trưởng từ năm 2016 đến nay và tỷ trọng của nguồn thu này trong thu ngân sách chỉ còn 17,4%, so với mức 34,51% trong năm 2006. Ngược lại, thuế thu nhập cá nhân đang tiếp tục tăng nhanh, góp phần ngày càng quan trọng trong nguồn thu ngân sách, ở mức 7% năm 2019 so với 2% trong năm 2006.

Hình 1. Thu thuế tại Việt Nam 2006-2019

a) Tổng số thu thuế

b) Cơ cấu thu ngân sách

Nguồn: Tính toán của các tác giả theo số liệu từ Bộ Tài Chính (2007-2019)

Đi cùng với thuế thu nhập doanh nghiệp là cuộc chạy đua dài về ưu đãi thuế và phi thuế để thu hút FDI giữa các nước ASEAN. Mức thuế suất trung bình đối với các nước Đông Nam Á đã giảm từ 25,1% vào năm 2010 xuống chỉ còn 21,7% vào năm 2020. Trong khi đó, ở Việt Nam, mức thuế thu nhập doanh nghiệp thậm chí còn xuống thấp hơn: Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (Luật số 14/2008/QH12) quy định mức thuế suất thuế TNDN tiêu chuẩn là 25%. Các doanh nghiệp khai thác dầu khí và kim loại quý hiếm bị áp dụng mức thuế suất từ 32% đến 50%. Đến năm 2013, Luật số 32/2013/QH13 giảm thuế suất phổ thông xuống 22% và đến năm 2016, mức thuế suất phổ thông giảm xuống còn 20%. Với các doanh nghiệp doanh thu không vượt quá 20 tỷ, thuế suất phổ thông là 20% ngay từ khi Luật số 32/2013/QH13 được áp dụng. Luật thuế cũng nêu ra các khoản thu nhập không phải chịu thuế và thu nhập được miễn giảm thuế. Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh tại Việt Nam được phân chia thành doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình kinh doanh cá thể. Với doanh nghiệp và hợp tác xã phải nộp thuế thu nhập doanh nghiêp, còn hộ gia đình kinh doanh cá thể phải nộp thuế khoán.

Một nguồn thu thế khác là thuế xuất, nhập khẩu và TTĐB hàng nhập khẩu cũng có xu hướng ngừng tăng về tỷ trọng trong vòng mười năm trở lại đây. Từ năm 2006 đến 2009, số thu từ thuế xuất, nhập khẩu và TTĐB hàng nhập khẩu tăng gấp gần 3 lần. Tuy nhiên, trong khoảng từ năm 2009 đến nay, số thu từ nguồn này ngừng tăng nhanh và dao động trong khoảng 70 nghìn tỷ đồng đến 90 nghìn tỷ đồng. Tỷ trọng của nguồn thu này trong thu ngân sách vì thế mà giảm dần, từ 16,51% trong năm 2009 xuống chỉ còn 6,5% trong năm 2019. Điều này thể hiện nỗ lực của Việt Nam kể từ khi tham gia WTO nhằm tháo bớt hàng rào thuế quan nhằm giảm bớt gánh nặng thuế lên các hoạt động xuất-nhập khẩu.

Thay thế cho vai trò giảm dần của Thuế thu nhập doanh nghiệp và Thuế xuất, nhập khẩu và TTĐB hàng nhập khẩu là Thuế thu nhập cá nhân và thuế TTĐB. Tăng trưởng mạnh của Việt Nam trong thập kỷ gần đây, cùng với sự mở rộng của tầng lớp trung lưu đã khiến tổng thu từ Thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam tăng mạnh từ chỉ hơn 20 nghìn tỷ đồng trong năm 2006 đến gần 100 nghìn tỷ đồng theo con số ước lượng năm 2019. Tương tự, Thuế TTĐB cũng ghi nhập mức tăng từ khoảng 60 nghìn tỷ đồng năm 2006 đến gần 110 tỷ đồng vào năm 2017.

Xét về tính chất của các loại thuế, chúng ta có thể chia thành thuế trực thu và thuế gián thu. Sự thay đổi về quy mô giữa các khoản thu thuế nêu trên dẫn đến một sự thay đổi đáng kể về tương quan của hai nhóm thuế trực thu và thuế gián thu trong thu ngân sách. Tỉ trọng của thuế trực thu đã giảm liên tục trong giai đoạn 2012-2017, từ 44.6% năm 2012 xuống chỉ còn 33.8% năm 2017. Điều này phần nào làm giảm đi tính lũy tiến của hệ thống thuế tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2018-2019, số liệu ước tính của Bộ Tài chính cho thấy tỉ trọng của thuế trực thu có xu hướng tăng trở lại, ước đạt 38,9% năm 2019. Số thuế thu được từ thuế TNDN giảm đi do chính sách giảm thuế suất của Việt Nam nhằm cạnh tranh thuế với các nước trong khu vực.

Hình 2. So sánh tỷ trọng thuế trực thu và thuế gián thu, 2006-2019 (%)

Ghi chú: *Số liệu năm 2019 là ước thực hiện lần thứ 2

Nguồn: Tính toán của các tác giả theo số liệu từ Bộ Tài chính (2007-2019)

Đánh giá kỹ lưỡng hơn, trong khi tính thuế gián thu đã cộng gộp cả thuế tiêu thụ đặc biệt, loại thuế đánh vào hàng hóa xa xỉ (chủ yếu người giàu tiêu dùng) và những hàng hóa mà nhà nước không khuyến khích (thuốc lá). Để phản ánh tốt hơn tính lũy thoái của thuế gián thu, chúng ta xét thuế gián thu đã loại bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, ở Việt Nam, thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu không được tách ra khỏi thuế xuất – nhập khẩu. Thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô nhập khẩu chiếm tỷ trọng khá lớn trong thuế tiêu thụ đặc biệt, do đó, tác giả đã loại bỏ cả thuế xuất-nhập khẩu ra khỏi thuế gián thu. Tổng tỷ trọng của thuế GTGT và thuế bảo vệ môi trường sau khi đã loại bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế xuất nhập khẩu ở mức 39% (2019) tương đương với con số 38% của thuế trực thu.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến cho tỉ trọng thu thuế giảm đối với tất cả các nước trong giai đoạn 2007-2009. Sau đó, tỉ lệ thu thuế/ GDP các nước nhìn chung tương đối ổn định. Việt Nam là nước có thu nhập thấp nhất trong nhóm các nước tương tự trong ASEAN, nhưng tỉ trọng thu thuế/GDP của Việt Nam là cao nhất. Điều này cho thấy gánh nặng thuế tại Việt Nam đang quá lớn và cần có sự thay đổi để thúc đẩy tăng trưởng. Kết quả phân tích gánh nặng thuế được thực hiện bởi Liên minh công bằng thuế (VATJ, 2020) đối với các hộ gia đình cho thấy thuế GTGT có tính lũy thoái, chiếm tới khoảng 7,25% thu nhập của nhóm thập phân vị nghèo nhất, so với khoảng 3,61% thu nhập đối với nhóm thập phân vị giàu nhất. Tuy nhiên, theo cách chia thập phân vị về chi tiêu, gánh nặng thuế giá trị gia tăng phân bố đồng đều ở mức khoảng 7%. Điều này có thể được giải thích bởi xu hướng tiết kiệm tăng nhanh đối với nhóm những người giàu hơn.Trái với thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân thể hiện tính lũy tiến rõ ràng. Tuy nhiên, các hộ gia đình phải đóng thuế thu nhập cá nhân là không nhiều. Các hộ gia đình ở mức thập phân vị thứ 5 về thu nhập hoặc thấp hơn gần như không phải chịu gánh nặng về thuế thu nhập cá nhân, trong khi đó  đối với nhóm các hộ gia đình giàu nhất, thuế thu nhập cá nhân có thể chiếm tới 7,98% thu nhập của họ.

Xét trên thập phân vị về thu nhập, nhóm thập phân vị nghèo nhất đóng thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn các nhóm liền kề, chiếm khoảng 3,47% thu nhập. Lời giải thích chủ yếu là thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhóm thu nhập thấp chủ yếu tập trung vào chi phí cho các phương tiện đi lại như xe máy và xăng dầu, trong khi thuế tiêu thụ đặc biệt với các nhóm thu nhập cao chủ yếu tập trung vào các loại hàng hóa xa xỉ. Nếu ta không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe cộ và xăng dầu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các nhóm hàng hóa còn lại thể hiện tính lũy tiến đối với các nhóm thập phân vị thu nhập và phân bố đều đặn đối với các nhóm thập phân vị chi tiêu. Thu nhập, chi tiêu trên đầu người và gánh nặng thuế phí đều tập trung ở hai khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ. Điều này một phần phản ánh sự giàu có hơn của khu vưc hai khu vực xung quanh Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đáng chú ý là gánh nặng thuế cao hơn, tính theo tỷ lệ trên thu nhập, không phải là khu vực xung quanh Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mà là Khu vực Bắc trung bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Thu nhập, chi tiêu trung bình hay gánh nặng thuế giữa các hộ mang theo giới tính chưa biểu lộ xu hướng rõ ràng. Khi phần lớn thu nhập trong gia đình đến từ nữ giới, hộ thường có thu nhập, chi tiêu nhiều hơn và thường chịu gánh nặng thuế nhiều hơn. Tuy nhiên, khi giới tính của chủ hộ là nam, gánh nặng về thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT phải trả cao hơn. Các hộ có đông nam giới hơn nữ giới trong nhà cũng thường có thu nhập và chi tiêu cao hơn, và đóng thuế TNCN nhiều hơn.

Như vậy, cần phải xây dựng cải cách thuế hướng đến việc thu thuế thu nhập một cách hiệu quả hơn thay vì mở rộng cơ sở đối với các loại thuế gián thu khi mà thuế GTGT hiện đang chiếm vai trò quan trọng nhất trong gánh nặng thuế, phí đối với các hộ gia đình Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

Bộ Tài chính (2007-2020). Quyết toán NSNN năm 2005-2018.

Bộ Tài chính (2020). Ước thực hiện NSNN năm 2019 (lần 2).

VATJ, 2020. Phân tích cấu trúc, xu hướng và gánh nặng thuế tại Việt Nam: Hướng tới một hệ thống thuế công bằng. Tài liệu hội thảo ngày 15/12/2020.