Các nước ASEAN có sự khác biệt lớn về kinh tế vĩ mô và tình trạng này ngày càng trở nên trầm trọng bởi cuộc đua xuống đáy về ưu đãi thuế. Mỗi quốc gia theo đuổi lợi ích riêng của mình thông qua các chính sách tài khóa và có xu hướng cạnh tranh vì lợi ích của mình thay vì cùng nhau đưa ra quyết định chung, xây dựng một cơ chế chung vì lợi ích tập thể. Các nước ASEAN đang dần mất đi các khoản thu ngân sách khổng lồ thông qua việc cung cấp ưu đãi thuế lớn cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các tổ chức quốc tế đã nhiều lần cảnh báo các nước thành viên ASEAN cần ngừng áp dụng các ưu đãi thuế không cần thiết. Điều này là do giảm thu ngân sách do ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), ước tính khoảng 6% GDP ở Campuchia và 1% GDP ở Việt Nam và Philippines (OECD, 2019). Những khoản thất thu này đã có thể được sử dụng để trang trải phần lớn chi tiêu ngân sách đối phó với đại dịch COVID-19 (ước tính chiếm 1/3 ngân sách chi cho các biện pháp giảm thiểu tác động của COVID-19 tại Việt Nam và Philippines).
Thuế TNDN là loại thuế trực thu đánh trực tiếp vào thu nhập hoặc lợi nhuận tích lũy của các doanh nghiệp. Trong ASEAN, mỗi quốc gia đặt ra mức thuế suất tiêu chuẩn thuế TNDN khác nhau. Tỷ lệ này được xác định bởi rất nhiều yếu tố tùy thuộc vào các ưu tiên của chính phủ, bản chất của nền kinh tế, hay mức độ phát triển của nền kinh tế (Dezan Shira & Assicuates, 2018). Trong hơn một thập kỷ qua, ưu đãi thuế TNDN đã dần trở thành một tập quán chính sách tại các nước thành viên ASEAN khi các quốc gia này cung cấp một loạt ưu đãi thuế cho các tập đoàn đa quốc gia (MNC) cũng như các doanh nghiệp trong nước, với mục đích thúc đẩy đầu tư (UNCTAD, 2000). Với cách làm đó, các quốc gia này có xu hướng cạnh tranh với nhau hơn là hợp tác để cùng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong hơn mười năm qua, thuế suất trung bình thuế TNDN của khu vực đã giảm từ mức trung bình 25,05% năm 2010 xuống chỉ còn 20,7% vào năm 2022.
Hình 1: Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông tại các quốc gia ASEAN, 2010-2022
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ Trading Economic (2020) và Deloitte (2022)
Các hình thức ưu đãi thuế TNDN có thể kể đến như miễn thuế, ân hạn thuế, giảm thuế suất thuế TNDN, khấu trừ thuế, chuyển lỗ và một số hình thức khác. Chúng ta sẽ đi sâu vào phân tích ba hình thức ưu đãi thuế phổ biến nhất bao gồm miễn thuế, ân hạn thuế và giảm thuế suất thuế TNDN.
“Miễn thuế” liên quan đến các khoản thu nhập hoặc giao dịch được pháp luật cho phép không chịu thuế, giúp làm giảm khoản thu nhập bị đánh thuế. Chính phủ các nước ASEAN sử dụng công cụ này để hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động kinh tế ưu tiên (OECD, 2019). Tương tự như thuế suất tiêu chuẩn thuế TNDN, miễn thuế TNDN cũng như các hoạt động hoặc lĩnh vực đủ điều kiện nhận ưu đãi này phụ thuộc vào lựa chọn của các chính phủ. Trong ASEAN, các hoạt động và lĩnh vực được miễn thuế tương đối đa dạng; tuy nhiên, chúng có thể được chia thành bốn nhóm chính bao gồm: các hoạt động tái đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, hoạt động thương mại /dịch vụ, và theo quy mô doanh nghiệp. So sánh sơ bộ giữa các nước ASEAN, Việt Nam, Malaysia, và Campuchia là ba quốc gia có số lượng nhiều nhất các lĩnh vực, hoạt động đủ điều kiện được miễn thuế TNDN. Có sự khác biệt giữa các quốc gia về cách xác định hình thức miễn thuế: ví dụ, ở Việt Nam và Campuchia, miễn thuế được phân loại theo nguồn thu nhập; Singapore, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, và Philippines chia theo hoạt động kinh doanh; còn ở Brunei dựa vào quy mô của doanh nghiệp.
Một số nước thành viên áp dụng thời gian ân hạn thuế (khoảng thời gian mà các doanh nghiệp được hưởng mức thuế suất thuế TNDN là 0%) lên tới 20 năm và các ưu đãi lớn khác dựa trên lợi nhuận. Ân hạn thuế là khoảng thời gian miễn thuế có giới hạn, ví dụ tạm thời loại bỏ thuế suất đối với thu nhập doanh nghiệp hoặc lợi tức vốn (UNCTAD, 2000). Đây là loại ưu đãi thuế dựa trên lợi nhuận và thường được các nước đang phát triển sử dụng với kỳ vọng thúc đẩy vốn đầu tư hoặc tăng cường thu hút FDI. Tuy nhiên, Stausholm (2017) kết luận rằng công cụ ưu đãi này không hiệu quả trong mục tiêu hướng tới phát triển bền vững của các nước đang phát triển; trái lại, nó có thể làm suy yếu sự phát triển.
Trong khi miễn thuế và ân hạn thuế thường giới hạn trong một hoặc một số nhóm đối tượng thụ hưởng, ưu đãi giảm thuế được áp dụng rộng hơn cho nhiều hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, tùy thuộc vào quy định của từng quốc gia, các doanh nghiệp cũng cần phải đáp ứng một số điều kiện nhất định để được hưởng ưu đãi này. Năm 2015, theo ước tính thì mức thuế suất trung bình thuế TNDN thực nộp của các doanh nghiệp tại các quốc gia ASEAN giảm tới 9,4 điểm phần trăm so với mức đáng ra phải nộp nếu như không có ưu đãi thuế. Điều này khiến ASEAN trở thành một trong những khu vực có mức thuế TNDN thực nộp sau ưu đãi thuế thấp nhất trên thế giới. Cạnh tranh thuế và ưu đãi thuế trở thành mảnh đất màu mỡ cho các hành vi dịch chuyển lợi nhuận. Các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, và Malaysia ước tính mất ít nhất từ 6-9 điểm phần trăm doanh thu thuế TNDN do hành vi chuyển lợi nhuận của các công ty đa quốc gia. Cuộc đua xuống đáy là một trò chơi mà tất cả các nước thành viên tham gia đều thua cuộc. Chính vì vậy, các quốc gia ASEAN cần có các hành động sau để tăng cường hợp tác về thuế trong khu vực:
Thứ nhất: Quy định các loại hình ưu đãi thuế không được phép sử dụng và đưa chúng vào danh sách đen, đồng thời đưa ra lộ trình loại bỏ những ưu đãi này trong khu vực với thời hạn nhất định. Đồng thời, ASEAN nên thống nhất một danh sách trắng quy định những ưu đãi thuế có thể được cho phép và chấp nhận áp dụng trong khu vực. Danh sách đen nên bao gồm các ưu đãi thuế dựa trên lợi nhuận, ví dụ: các ưu đãi thuế tạo ra mức thuế suất thấp cho lợi nhuận chịu thuế như ân hạn thuế, miễn thuế, chuyển lỗ, và thuế suất ưu đãi. Danh sách trắng nên bao gồm các ưu đãi thuế dựa trên đầu tư, đó là những ưu đãi loại ưu đãi tập trung vào hỗ trợ hoạt động đầu tư của doanh nghiệp;
Thứ hai: ASEAN cần thống nhất mức thuế TNDN thực nộp của từng nước không được thấp hơn mức thuế suất doanh nghiệp thực nộp tối thiểu của khu vực. Mức thuế suất thực nộp tối thiểu này nên được ASEAN thảo luận một cách kỹ lưỡng và nên quanh mức từ 12,5% đến 20%.[1] Bằng cách đó, ASEAN sẽ củng cố doanh thu thuế tại các quốc gia và ngăn chặn việc các nước thành viên xây dựng các chính sách có lợi cho nước mình nhưng lại có hại cho nước láng giềng;
Thứ ba: ASEAN cần thống nhất các quy định về quản trị tốt các ưu đãi thuế. Tất cả các ưu đãi thuế và các tiêu chí để được áp dụng nên được quy định trong một đạo luật tại một quốc gia, ví dụ luật thuế, luật doanh nghiệp, hoặc luật đầu tư, tùy vào đặc điểm lịch sử chính sách của từng quốc gia; tuy nhiên, phải đảm bảo rằng không có một ưu đãi thuế nào được áp dụng riêng lẻ cho một doanh nghiệp nào đó một cách tùy tiện. Trong mọi trường hợp, bất kỳ ưu đãi thuế nào cũng phải có một thời gian áp dụng rõ ràng và ngày kết thúc được quy định trong luật.
Thứ tư: Nhằm hướng tới mục tiêu quản trị tốt và minh bạch, các quốc gia nên thực hiện đánh giá lợi ích và chi phí của các chính sách ưu đãi thuế như một điều kiện tiên quyết trước khi phê duyệt các ưu đãi thuế đó. Khi được chấp thuận áp dụng, cơ quan nhà nước (tốt nhất là cơ quan thuế) phải thường xuyên giám sát tác động của các ưu đãi thuế này bằng các cuộc đánh giá giữa kỳ để xem kết quả thực hiện có đáp ứng với kỳ vọng của chính sách hay không.
Tài liệu tham khảo:
Dezan Shira & Associates (2018). Taxation in ASEAN: An Introduction. ASEAN Briefing.
Deloitte (2022), Guide to Taxation in Southest Asia – 2022. Truy cập tại: https://www2.deloitte.com/sg/en/pages/tax/articles/guide-to-taxation-in-sea-2022.html.
OECD (2019), OECD Investment Policy Reviews: Southeast Asia. www.oecd.org/investment/oecd-investment-policy-review-southeast-asia.htm.
UNCTAD. (2000). Tax incentives and Foreign Direct Investment: A global survey. ASIT Advisory Studies No. 16.
Stausholm, S.N. (2017). Rise of ineffective incentives: New empirical evidence on tax holidays in developing countries. Pre-printed version.
Trading Economics (2020), List of Countries by Corporate Tax Rate. https://tradingeconomics.com/country-list/corporate-tax-rate.
[1] Tỷ lệ này cần được thảo luận kỹ lưỡng giữa các nước ASEAN mà không làm suy yếu cách tiếp cận toàn cầu về vấn đề này. Phạm vi mà chúng tôi đề xuất là một đề xuất để cân bằng giữa thực tiễn toàn cầu và việc thiếu hụt nguồn thu tài khóa mà các nước ASEAN đang phải đối mặt.