Công bằng thuế
Đăng vào 01/03/2023
Việt Nam là một nền kinh tế chuyển đổi và đang có những bước chuyển biến mạnh mẽ về tư duy điều hành nền kinh tế. Nhà nước đã có những cam kết ngày càng chặt chẽ trong việc mở cửa thị trường và phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Thuế là một trong những lĩnh vực có nhiều cải cách lớn kể từ sau khi mở của nền kinh tế và thực hiện Đổi mới ở Việt Nam. Nhìn tổng thể, hệ thống thuế hiện tại ở Việt Nam khá tương đồng với các quốc gia có nền kinh tế thị trường lâu đời trên thế giới. Tuy nhiên, liệu chính sách thuế của Việt Nam đã đáp ứng được tính công bằng đến mức độ nào? Hệ thống thuế liệu đã bao quát đầy đủ các nguồn thu? Quản lý thuế có được thực hiện một cách minh bạch và rõ ràng? Hệ thống thuế cần tiếp tục cải thiện theo hướng nào?… Đó là những câu hỏi rất căn bản và quan trọng. Chỉ số Công bằng Thuế (FTM) – một thước đo với thang điểm 10 với 6 chỉ tiêu: Hệ thống thuế lũy tiến, Nguồn thu đầy đủ, Quản trị ưu đãi thuế cho doanh nghiệp, Quản lý hành chính thuế, Chi tiêu thuế vì người nghèo và Trách nhiệm giải trình trong tài chính công đã giúp ích trong việc đánh giá tính công bằng và mức độ hoàn thiện của hệ thống thuế và thu – chi ngân sách tại Việt Nam.
Kết quả chấm điểm chỉ số Công bằng thuế (Fair Tax Monitoring – FTM) cho thấy tính lũy tiến của các loại thuế của Việt Nam năm 2020 nhìn chung không có nhiều thay đổi so với năm 2017, đạt 6,6/10 điểm (giảm nhẹ 0,2 điểm). Các đề xuất điều chỉnh liên quan đến Luật thuế giá trị gia tăng VAT năm 2017 đã không được thông qua, dự án Thuế Tài sản cũng mới chỉ dừng lại ở bước lấy ý kiến, chưa được đưa vào Chương trình làm Luật của Quốc hội. Việc chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp cũng không được thông qua trong Dự án Luật doanh nghiệp sửa đổi năm 2019. Điểm đáng chú ý nhất trong thời gian qua đó là năm 2020, Quốc hội Việt Nam đã thông qua việc nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với đối tượng nộp thuế tăng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng / tháng, đối với người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, Nghị quyết số 954 đã không đề cập đến bất kỳ sự thay đổi nào về tỷ lệ, số lượng thu nhập hoặc đối tượng phải nộp thuế liên quan đến từng khung để tính thuế suất thuế TNCN, chỉ đề cập đến thu nhập tối thiểu không phải nộp thuế. Do đó, vẫn tồn tại sự thiếu công bằng khi còn một số nhóm người nộp thuế là nông dân có thu nhập cao từ hoạt động nông nghiệp nhưng lại được miễn nộp thuế thu nhập cá nhân.
Thu ngân sách Việt Nam được đánh giá tương đối khá về tính đầy đủ của nguồn thu. Điểm số bình quân năm 2020 là 8.58/10 điểm, cao hơn so với mức bình quân là 7 điểm của năm 2017. Theo Niên giám thống kê Tài chính 2018 của Bộ Tài chính (2018), năm 2018, số lượng tổ chức, hộ gia đình và cá nhân nộp thuế tại Việt Nam là hơn 57 triệu người, tăng 10,2% so với năm 2017. Tính đến ngày 31/12/2018, cả nước có 714,8 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 9,2% so với cùng thời điểm năm 2017. Trong đó, 610,6 nghìn doanh nghiệp có doanh thu (chiếm 85,4%). Tỉ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi năm 2018 là 44,1%, tương đương với khoảng 269,3 nghìn doanh nghiệp (Tổng cục Thống kê, 2020). Mặc dù tăng về số lượng doanh nghiệp và số lượng doanh nghiệp có doanh thu, nhưng tỉ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi đã giảm liên tục trong giai đoạn 2016-2018. Nhìn một cách trực quan có thể thấy số doanh nghiệp làm ăn có lãi giảm đồng nghĩa với việc giảm về số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến doanh thu thuế.
Quản trị ưu đãi thuế của Việt Nam đang gây tranh cãi về tính minh bạch. Các chính sách về ưu đãi thuế được Quốc hội quyết định và được nêu rõ trong các văn bản pháp luật. Do đó, các ưu đãi thuế khá thống nhất cho các doanh nghiệp đầu tư trong cùng một địa phương và một lĩnh vực. Tuy nhiên, do cơ chế tự khai tự nộp và tự chịu trách nhiệm nên danh sách những doanh nghiệp được miễn giảm thuế không được thống kê và công bố. Việt Nam cũng không thông kê và công bố định kỳ có con số hụt thu thuế do ưu đãi thuế. Do đó điểm số bình quân cho quản trị ưu đãi thuế của Việt Nam năm 2020 chỉ là 5.31/10 điểm, không có sự thay đổi nhiều so với năm 2017.
Điểm số về chỉ số quản lý hành chính thuế của Việt Nam năm 2020 giảm đáng kể so với năm 2017, chỉ còn 6,8/10 điểm (năm 2017 là 8.94 điểm). Sự khác biệt về điểm số giữa năm 2017 và năm 2020 là do những điều chỉnh lớn trong bộ câu hỏi FTM liên quan đến cấu phần tổ chức ngành thuế và tham gia các công ước quốc tế về thuế. Cho đến nay, Việt Nam hiện mới chỉ là thành viên của diễn đàn toàn cầu, chưa tham gia Công ước Đa phương của OCED về hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong các vấn đề về thuế. Việt Nam cũng chưa cam kết thời gian cụ thể về việc tham gia vào hoạt động trao đổi thông tin tự động với các cơ quan quản lý thuế khác. Việt Nam vẫn chưa có đơn vị cụ thể phụ trách vấn đề về chuyển giá, các dữ liệu hoạt động của ngành thuế liên quan đến vấn đề bình đẳng giới chưa được công khai, các hoạt động của ngành thuế vẫn chịu sự quản lý hành chính và kiểm soát chặt chẽ từ Chính phủ Việt Nam.
Điểm số về chi tiêu ngân sách cho nhóm người dễ bị tổn thương ở Việt Nam năm 2020 đạt xấp xỉ 7/10 điểm, có sự cải thiện so với năm 2017. Sự cải thiện này đến từ kết quả chấm điểm các chỉ số thành phần gồm bảo trợ xã hội (8/10 điểm) và các công việc chăm sóc không được trả lương (7.5/10 điểm). Đặc biệt trong bối cảnh của dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ trị giá 62.000 tỷ đồng cho những người gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh gồm người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo dưới hình thức hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt với khoảng 11,8 triệu người được hưởng lợi.[1] Ngoài ra, có khoảng 4 triệu người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, lao động không có hợp đồng lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng được hưởng lợi từ gói hỗ trợ này.
Kết quả chấm điểm Chỉ số về minh bạch và trách nhiệm giải trình trong bộ câu hỏi FTM năm 2020 có sự cải thiện đáng kể so với năm 2017 (tăng từ 4,45/10 điểm năm 2017 lên 6,6/10 điểm năm 2020). Kết quả này có được là nhờ chỉ số thành phần về tài liệu ngân sách tăng đáng kể từ 0 điểm năm 2017 lên 6 điểm năm 2020. Kết quả này cũng phản ánh đúng thực tế khi các chỉ số về công khai ngân sách của Việt Nam như OBI, MOBI hay POBI đều được cải thiện qua thời gian. Các tài liệu về ngân sách ngày càng được công khai nhiều hơn trên các trang thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài chính và Sở Tài chính các địa phương.
Hình 1: Kết quả chấm điểm chỉ số công bằng thuế FTM của Việt Nam 2020
Nguồn: VATJ (2020)
Từ những phân tích và đánh giá theo khung khổ của Chỉ số Công bằng Thuế (FTM), một số khuyến nghị chính sách được đưa ra như sau:
Thứ nhất: Cần đẩy nhanh tiến độ dự án Thuế tài sản, đưa vào chương trình làm Luật của Quốc hội trong nhiệm kỳ 2021-2026. Trong bối cảnh tỉ trọng của thuế trực thu có xu hướng giảm thì việc mở rộng cơ sở thuế hay nói cách khác là Luật hóa các sắc thuế là điều quan trọng và cần thiết.
Thứ hai: Cần có những thay đổi trong tỷ lệ, số lượng thu nhập hoặc đối tượng phải nộp thuế liên quan đến từng khung để tính thuế suất thuế TNCN, thay vì chỉ đề cập đến thu nhập tối thiểu không phải nộp thuế hay nâng mức giảm trừ gia cảnh.
Thứ ba: Rà soát lại chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI. Cần tính toán và công khai thông tin về chi tiêu thuế thông qua hình thức ưu đãi thuế cho doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp được hưởng ưu đãi, số tiền ưu đãi trong các báo cáo ngân sách hàng năm của Bộ Tài chính.
Thứ tư: Đẩy mạnh hơn nữa việc điện tử hóa các thủ tục hành chính để giảm hơn nữa thời gian nộp thuế của người dân và doanh nghiệp. Trong đó, tập trung nguồn lực vào việc giảm thiểu thời gian tính toán, kiểm tra số liệu và chuẩn bị tờ khai.
Thứ năm: Các báo cáo ngân sách hằng năm của Bộ Tài chính và Sở Tài chính các địa phương cần có báo cáo chi tiết về kết quả thực hiện lồng ghép giới trong ngân sách. Các báo cáo này cần được công bố công khai cho người dân biết. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện xây dựng báo cáo, đưa việc xây dựng báo cáo lồng ghép giới vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành công việc của cán bộ, công chức.
Thứ sáu: Công khai số liệu dự toán, thu, chi, quyết toán, tình hình thực hiện ngân sách hàng năm và các khoản thu, chi ngoài ngân sách các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương. Lấy việc công khai làm tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức và cá nhân phụ trách.
Không chỉ ở Việt Nam mà ở bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới thì thuế là một nguồn thu chính và quan trọng của ngân sách nhà nước. Đảm bảo việc chi tiêu cho các hệ thống phúc lợi, an toàn cho người dân và an ninh quốc gia. Chính vì thế một hệ thống thuế đầy đủ, công bằng và minh bạch là điều mà bất kỳ một quốc gia nào cũng cần hướng tới.
Tài liệu tham khảo:
Bộ Tài chính (2018). Niên giám Thống kê Tài chính 2018. https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?dDocName=MOFUCM170541
Tổng cục Thống kê (2020). Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2020. https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=512&ItemID=19588
VATJ (2020). Mức độ công bằng thuế: Đánh giá cho Việt Nam 2020.
[1] http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=222657