Thuế là một sự hoàn trả gián tiếp của người dân cho nhà nước để nhà nước cung cấp các hàng hóa – dịch vụ công. Vì hai đặc tính cơ bản của hàng hóa – dịch vụ công (tính không cạnh tranh và/hoặc không loại trừ trong tiêu dùng) nên hầu hết nhà kinh tế học đều thừa nhận việc chính phủ phải đứng ra để cung cấp các hàng hóa dịch vụ này. Tuy nhiên, thuế nên thu ở mức nào, tương đương với nó là quy mô nhà nước nên phình to đến mức nào, luôn là một chủ đề gây tranh cãi cho các nhà kinh tế học và các nhà làm chính sách. Cuộc tranh luận của các nhà kinh tế học và các nhà làm chính sách không chỉ dừng lại ở thuế suất mà còn ở việc thiết kế hệ thống thuế.

Vì mục tiêu cuối cùng của người dân là cuộc sống ngày càng được cải thiện, việc chấp nhận trả tiền thuế để có được các hàng hóa – dịch vụ công của nhà nước cũng không nằm ngoài mục tiêu trên. Do đó, thu và chi tiêu thuế đều phải hướng tới mục tiêu làm cho đất nước phát triển và cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao. Một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo vấn đề trên là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. Tuy nhiên, lý thuyết về đường cong Laffer lại chỉ ra rằng, thuế suất[1] quá cao (hay quy mô nhà nước quá lớn so với nền kinh tế) sẽ làm cản trở sự tăng trưởng kinh tế vì nhà nước chiếm dụng quá nhiều nguồn lực của tư nhân để phát. Ngược lại, nếu thuế suất quá thấp (nhà nước có quy mô quá nhỏ so với nền kinh tế) cũng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế vì nhà nước không đủ nguồn lực cung cấp các hàng hóa – dịch vụ công cơ bản ở mức cần thiết cho xã hội.

Trong lịch sử của Việt Nam và các nước đều ghi chép lại có hai cách đánh thuế, một là đánh thuế dựa trên thu nhập và/hoặc tài sản của cá nhân hoặc hộ gia đình (thuế thu nhập), hai là đánh thuế dựa trên tiêu dùng của cá nhân hoặc hộ gia đình (thuế tiêu dùng). Đối với các nước đang và kém phát triển, thuế tiêu dung được ưa chuộng vì có ưu điểm là tính hiệu quả về mặt hành thu cao hơn thuế thu nhập. Nguyên nhân là do việc trả thuế tiêu dùng sẽ đi kèm với hành động mua hàng hóa – dịch vụ còn thuế thu nhập, người nộp thuế có nhiều cách làm sai lệch thu nhập của mình để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế. Trong những năm gần đây, ngân sách của Việt Nam đã dựa rất nhiều vào các loại thuế tiêu dùng. Các loại thuế tiêu dùng của Việt Nam gồm có VAT, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt. Năm 2020, tỷ trọng của số thu thuế tiêu dùng trên tổng số thu thuế tại Việt Nam vào khoảng 60%. Trong các loại thuế tiêu dùng thì VAT đang là loại thuế đóng góp nhiều nhất vào tổng số thu thuế của Việt Nam. Thuế VAT là loại thuế gián thu, tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Tính tới thời điểm năm 2016, có 166 quốc gia và vùng lãnh thổ thi hành thuế. Tại Việt Nam, khung pháp lý cao nhất về thuế VAT là Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng số 31/2013/QH13 và số 106/2016/QH13. Năm 2010, tỷ trọng của VAT trong tổng số thu thuế là 33,3%, đến năm 2019, con số này đã tăng lên hơn 1,2 lần và ở mức trên 40,7%. Tỷ trọng VAT của Việt Nam đã tăng lên đáng kể từ năm 2011. Con số này năm 2014 đã bỏ xa con số trung bình của các nước phát triển, nhóm nước có thu nhập trung bình thấp và trung bình cao.

Hình 1: Tỷ trọng của thuế VAT trong tổng thu thuế của Việt Nam và một số nhóm nước trên thế giới, 2010-2022 (%)

Nguồn: Tính toán từ số liệu của World Bank, IMF (2022)

Ghi chú: *,** Số liệu của Việt Nam năm 2021 là số ước tính và năm 2022 là số dự toán của Bộ Tài chính.

Tại Việt Nam, có ba mức thuế suất GTGT là: 0%, 5% và 10%. Cụ thể, mức thuế suất 0% áp dụng cho hàng hóa dịch vụ xuất khẩu được tiêu dùng ngoài Việt Nam hoặc trong khu phi thuế quan. Một số trường hợp ngoại lệ bao gồm: chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài; dịch vụ tái bảo hiểm ra nước ngoài; dịch vụ bưu chính, viễn thông. Mức thuế suất 5% chủ yếu đang áp dụng cho các lĩnh vực liên quan tới hàng hóa dịch vụ thiết yếu như nước sạch, phân bón, thức ăn chăn nuôi, một số sản phẩm nông nghiệp chưa qua chế biến, thiết bị dụng cụ y tế, giáo cụ giảng dạy. Trong khi đó, thuế suất 10% hay thuế suất GTGT phổ thông áp dụng cho các trường hợp chịu thuế khác.

Tuy nhiên, không phải tất cả hàng hóa và dịch vụ đều phải chịu thuế GTGT. Điều 5 của Luật thuế giá trị gia tăng có quy định về 25 nhóm đối tượng thuộc diện miễn thuế GTGT. Một số hàng hóa dịch vụ được miễn thuế bao gồm bảo hiểm nhân thọ; dịch vụ y tế, thú y; dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật. Điểm khác biệt giữa hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế với loại chịu mức thuế suất 0% là cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế không được khấu trừ và hoàn thuế GTGT đầu vào.

Nguồn thu ngân sách đã giảm từ năm 2011 nhưng các nhiệm vụ chia ngân sách không giảm. Ngân sách nhà nước thâm hụt triền miên và nợ công tăng cao đến mức đáng báo động. Theo IMF (2022), tỷ lệ thâm hụt ngân sách của Việt Nam luôn duy trì trong khoảng 5% – 6% GDP từ năm 2012 đến năm 2015. Con số này cao hơn mức trung bình của các nước ASEAN 5, các nước mới nổi và đang phát triển trong giai đoạn 2012-2015. Bộ Tài chính đã tìm cách để giải bài toán về ngân sách bằng cách tăng thuế thay vì thực hiện mạnh mẽ các biện pháp cắt giảm chi ngân sách. Trong nỗ lực để gỡ khó cho ngân sách nhà nước, năm 2017, Bộ Tài chính tiếp tục đưa ra đề xuất tăng thuế suất VAT. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID 19 từ năm 2020 tới nay, đề xuất tăng thuế VAT đã không được thực hiện, thậm chí trong năm 2022, mức thuế suất thuế VAT còn được giảm 2 điểm phần trăm đối với các mặt hàng chịu thuế suất thuế VAT là 10% (giảm từ 10% xuống còn 8%).

Hình 2. Thặng dư ngân sách và nợ công của Việt Nam, 2010 – 2021 (%GDP)

Thặng dư ngân sách

Nợ công

Nguồn: Tính toán từ số liệu của IMF (2022).

Một điểm rất đánh chú ý của thuế tiêu dùng, đó là tính lũy thoái của loại thuế này. Vì thuế suất của thuế tiêu dùng là như nhau đối với cùng một loại hành hóa – dịch vụ mà không căn cứ vào thu nhập của từng người mua. Do đó, người có thu nhập thấp hơn sẽ thường phải trả tỷ lệ thuế tiêu dùng tính trên thu nhập của họ cao hơn so với nhóm người có thu nhập cao. Vì theo nhiều nghiên cứu, người nghèo thường bỏ nhiều tiền trong tổng thu nhập của họ ra để tiêu dùng hơn người giàu. Người giàu thường có các khoản tiết kiệm lớn hơn người nghèo. Cho nên, có thể số tiền thuế mà người giàu nộp cao hơn người nghèo, nhưng tỷ lệ thuế trên tổng thu nhập của người nghèo lại cao hơn người giàu.

Theo tính toán của VATJ (2018), nếu phương án tăng thuế VAT vào năm 2017 của Bộ Tài chính được áp dụng thì kết quả cũng không làm tăng sản lượng thực của nền kinh tế và làm giảm phúc lợi của tất cả các hộ gia đình. Thậm chí, nếu tiền thuế tăng thêm lại được Chính phủ đưa vào chi thường xuyên mà không chi đầu tư phát triển sẽ làm cho sản lượng thực của nền kinh tế giảm. Hơn nữa, tỷ trọng thuế tiêu dùng trong tổng số thu thuế đã ở mức trên 60%, tăng thêm suất bất cứ một loại thuế tiêu dùng nào cũng sẽ làm gánh nặng thuế của nhóm người có thu nhập thấp đã nặng thì càng thêm nặng. Mặc dù biết rằng, các loại thuế tiêu dùng là các loại thuế hiệu quả về mặt hành thu và ít gây cảm giác “đau đớn” cho người nộp thuế. Một điểm đáng lưu tâm hơn, các đề xuất tăng thuế gần đây luôn bị công luận phản đối rất mạnh. Do đó, trước khi tăng thuế Chính phủ phải thuyết phục được người dân về tính hợp lý của các khoản chi tiêu chính phủ. Minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thu chi ngân sách cần phải được nâng cao hơn và theo kịp với chuẩn mực quốc tế trước khi đưa ra các đề xuất tăng thuế.

[1] Thuế suất được hiểu là một mức thuế suất chung cho nền kinh tế chứ không phải là thuế suất của từng loại thuế cụ thể. Con số này thường được đại diện bằng tỷ số tổng thu thuế trên GDP hoặc tổng thu ngân sách trên GDP.

Tài liệu tham khảo:

IMF (2022). Government Finance Statistics (GFS). Truy cập tại  https://data.imf.org/?sk=FA66D646-6438-4A65-85E5-C6C4116C4416.

IMF (2022). World Economic Outlook Report October 2022. Truy cập tại https://www.imf.org/en/Publications/WEO/Issues/2022/10/11/world-economic-outlook-october-2022.

VATJ (2018). Đánh giá tác động của tăng thuế giá trị gia tăng lên tổng thể nền kinh tế và phúc lợi hộ gia đình. Nhà xuất bản Hồng Đức, 2018.

World Bank (2022). World Development Indicators. Truy cập tại  https://databank.worldbank.org/source/world-development-indicators.