Thuế tài sản
Đăng vào 14/03/2023
Thuế tài sản là loại thuế ra đời rất sớm trong lịch sử nhân loại với hình thức đầu tiên là thuế đất được áp dụng rộng rãi ở hầu hết các xã hội cổ đại. Lí do là vào lúc ấy, đất đai hầu như là tài sản duy nhất thật sự có giá trị và nhà nước có điều kiện thuận lợi để nắm chắc, quản lý và đánh thuế. Khi nền kinh tế-xã hội của các quốc gia ngày càng phát triển, trên thế giới dần xuất hiện nhiều loại của cải khác thuộc đối tượng đánh thuế tài sản. Thông thường, việc đánh thuế tài sản không tính đến nguồn gốc thu nhập tạo ra tài sản có từ đầu, thời gian nào…mà chỉ quan tâm tới giá trị tài sản của chủ thể có quyền sở hữu (hoặc quyền sử dụng) vào thời điểm nhất định.
Tài sản được hiểu theo nghĩa rộng nhất bao gồm tài sản hữu hình và phi hữu hình. Tài sản hữu hình là những tài sản được hiểu hiện dưới dạng vật chất bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản là những loại tài sản buộc phải phá hủy hoặc mất hết giá trị khi di chuyển như tòa nhà, đất đai…. Trong khi đó, động sản vẫn có thể giữ được giá trị khi di chuyển như máy móc, ô tô, du thuyền… Tài sản phi hữu hình là những tài sản không biểu hiện dưới dạng vật chất như trái phiếu, cổ phiếu, tài khoản ngân hàng… Thuế liên quan đến tài sản có thể được hiểu theo nghĩa rộng hoặc nghĩa hẹp. Theo nghĩa hẹp, thuế tài sản chỉ bao gồm các loại thế đánh định kỳ (recurrent) lên tài sản bao gồm các sắc thuế áp dụng định kỳ với đất đai, công trình trên đất, động sản và các loại thuế liên quan tới tài sản hữu hình (chuyển nhượng, quà tặng, thừa kế). Theo nghĩa rộng, thuế liên quan đến tài sản còn bao gồm cả các loại thuế đánh một lần lên các tài sản sở hữu như thuế VAT, thuế trên thặng dư vốn (capital gains tax), v.v.
Số nước trên thế giới hiện đang đánh thuế tài sản tương đối nhiều. Theo thống kê từ Bộ Tài chính, hiện nay có 173/194 nước trên thế giới thực hiện thu thuế tài sản dưới nhiều tên gọi khác nhau[1], trong đó thuế bất động sản là loại phổ biến nhất. Trong đó, thuế bất động sản là một trong những loại phổ biến nhất (51 quốc gia đánh thuế với cả nhà và đất). Tuy mỗi nước có một cách đánh thuế bất động sản khác nhau nhưng nhìn chung nước phát triển hơn thì có nguồn thu ngân sách từ thuế bất động sản lớn hơn do có mức độ phân quyền tài khóa lớn hơn. Mặc dù nguồn thu từ thuế bất động sản tính trên phương diện quốc gia còn tương đối khiêm tốn, loại thuế này lại là nguồn thu ngân sách quan trọng nhất của chính quyền địa phương tại nhiều quốc gia.
Hình 1. Tỷ trọng đóng góp của thuế tài sản trên tổng thu thuế tại một số quốc gia OECD, 2020
Nguồn: (OECD 2023)
Hiện nay nhiều nước, đặc biệt các nước thu nhập cao, ap dùng thuế tài sản, vì nó không chỉ đóng góp cho thu ngân sách mà còn góp phần phân phối lại và giảm bất bình đẳng về tài sản trong xã hội (Glaeser, 1996). Việc đánh thuế còn hạn chế đầu cơ tài sản và hạn chế tăng giá tài sản. Tuy nhiên giống như hầu hết các loại thuế khác, thuế tài sản cũng sẽ mang lại những tác động tiêu cực cho thị trường và ảnh hưởng đến phúc lợi của người nộp thuế (Salanie, 2011). Tương tự như thuế thu nhập, thuế tài sản sẽ trực tiếp làm cho thu nhập khả dụng và chi tiêu của người chịu thuế giảm xuống. Nếu như doanh thu thuế tài sản không được sử dụng hiệu quả vào đầu tư cải thiện hạ tầng hay nâng cao phúc lợi cho người dân thì thuế tài sản sẽ có tác động tiêu cực nhiều hơn. Thuế tài sản cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động kinh tế (Ladd và Bradbury, 1988). Tại Việt Nam, các loại thuế mang bản chất của thuế tài sản bao gồm: phí trước bạ, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Trong đó, đóng góp vào ngân sách của loại thuế cuối cùng có thể sử dụng để so sánh với thế giới do phí trước bạ không đánh trên sở hữu tài sản, và Việt Nam đang thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho người dân (Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế SDĐNN và Nghị quyết số 28/2016/QH13 ngày 11/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế SDĐNN (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017)).
Hình 2. Đóng góp của thuế sử dụng đất phi nông nghiệp vào ngân sách của Việt Nam 2010-2020
Nguồn: Tính toán từ Bộ Tài chính (2012-2023)
Lần gần nhất Luật thuế tài sản được đưa ra thảo luận rộng rãi là khi Bộ Tài chính công bố dự thảo Luật thuế tài sản vào năm 2018 cùng với các luật thuế khác trong bối cảnh tình hình ngân sách của Việt Nam mất cân đối thu chi kéo dài và khả năng cải thiện thấp. Một số vấn đề vướng mắc khi Dự thảo Luật Thuế tài sản (2018) được đưa ra lấy ý kiến như:
Thứ nhất, vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất là tên gọi “thuế tài sản”. Đây là một cách gọi khá mơ hồ và hiện tại không có quốc gia nào sử dụng tên này mà dùng các khái niệm rõ ràng hơn. Thông thường, khi đề cập tới thuế tài sản (property tax), phần lớn chuyên gia và công luận đều hiểu là nó tương đương với thuế đánh định kỳ trên bất động sản (immovable property tax). Tuy nhiên, theo đúng định nghĩa, “property tax” mang một nghĩa rộng hơn rất nhiều. Theo OECD (2018), thuế tài sản (property tax) bao gồm: thuế định kỳ đánh trên bất động sản (Recurrent taxes on immovable property), thuế định kỳ đánh trên tài sản ròng (Recurrent taxes on net wealth), thuế thừa kế, quà tặng (Estate, inheritance and gift taxes), thuế đánh trên giao dịch tài chính và vốn (Taxes on financial and capital transactions), thuế không định kỳ khác đánh trên tài sản (Other non-recurrent taxes on property) và thuế định kỳ khác đánh trên tài sản (Other current taxes on property).
Thứ hai, tình trạng thuế chồng thuế khi đối tượng được quy định trong dự thảo Luật Thuế tài sản như đất phí nông nghiệp hiện đang là đối tượng chịu thuế trong Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Tàu bay, du thuyền và ô tô cũng đang là đối tượng chịu thuế của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thứ ba, liên quan đến thuế suất, các mức thuế suất được đưa ra trong dự thảo Luật Thuế tài sản cao hơn khoảng 6,7 – 10 lần so với mức thuế suất hiện hành của Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Mức thuế suất bổ sung được đề xuất đối với tài sản là đất không đưa vào sử dụng hiện đang thấp hơn so với thông lệ quốc tế (mức đề xuất là 1-2% trong khi đó có những nước lên tới 10-20%). Tại Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 11/3/2022, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự án Luật Thuế tài sản để trình lên Quốc hội trong giai đoạn 2024-2025.
Nhóm nghiên cứu thuộc VATJ (2018) đã tiến hành dự báo tác động của dự thảo Luật thuế tài sản (được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến vào ngày 17/4/2018) lên phúc lợi hộ gia đình được đo lường bằng chi tiêu bình quân và tỷ lệ nghèo ở Việt Nam dựa trên bộ dữ liệu Khảo sát Mức sống hộ gia đình Việt Nam (VHLSS) được thực hiện bởi Tổng cục Thống kê (GSO) vào năm 2016 với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ngân hàng Thế giới. Kết quả cho thấy thuế tài sản làm giảm thu nhập khả dụng, chi tiêu thực tế nhưng không làm tăng tỷ lệ nghèo. Nhìn chung các hộ gia đình có mức sống cao và nhiều tài sản, đất ở sẽ bị tác động nhiều hơn các hộ gia đình khác.
Tóm lại, không có thuế tài sản chung chung, mà cần cụ thể hóa thành một loại thuế nào đó, có bản chất liên quan đến tài sản. Ở Việt Nam đã có một số loại thuế như vậy: thuế trước bạ, thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Việc thiết kế luật thuế tài sản như thế nào cho phù hợp không hề đơn giản mà phải có mục đích rõ ràng. Theo kinh nghiệm quốc tế, thuế tài sản, đặc biệt là thuế bất động sản, là loại thuế mang tính địa phương trong đó chính quyền địa phương có quyền hạn nhất định trong thiết kế luật thuế. Không giống như thuế của cải ròng nhằm mục đích tái phân bổ thu nhập, thuế bất động sản hiện nay, ngoài việc tăng thu ngân sách, thì còn có chức năng chính là phân bổ lại khu vực dân cư (zoning). Chỉ những người thực sự có khả năng chi trả mức thuế cao (người giàu) mới chọn ở những khu vực trung tâm đô thị với đời sống và tiện nghi cao. Đây cũng là cách làm của các nước trên thế giới. Thực tế này có thể gây bất bình với tầng lớp dân thành thị có thu nhập trung bình và thấp. Nếu các khoản thu chi của chính quyền không được minh bạch và người dân không thấy được lợi ích từ việc đóng thuế thì ngay cả tầng lớp giàu cũng phản đối luật thuế bất động sản. Do đó, trước khi xây dựng luật thuế hoàn chỉnh, chính quyền cần thuyết phục người dân về tính hợp lý của các khoản chi tiêu. Minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thu chi ngân sách cần phải được nâng cao hơn.
Tài liệu tham khảo:
Bộ Tài chính (2010-2020), Quyết toán NSNN 2012-2023.
Glaeser, Edward. L. (1996), The incentive effects of property taxes on local governments, Public Choice, vol. 89, no. 1/2, pages 93–111.
Ladd, Helen. F., Bradbury, Katharine. (1988), City taxes and property tax bases, National Tax Journal, vol. 41, no. 4, pages 503–523.
OECD (2018), The Role and Design of Net Wealth Taxes in the OECD, OECD Publishing, Paris.
OECD (2023). Cơ sở dữ liệu OECD, https://stats.oecd.org/
Salanie, B. (2011), The economics of taxation. MIT press, 2011.
VATJ (2018), Khả năng áp dụng và tác động của thuế tài sản ở Việt Nam.
[1] https://bnews.vn/thue-tai-san-tai-mot-so- nuoc/82458.html.