Ngành công nghiệp khai khoáng đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2005 – 2012 khi tốc độ tăng trưởng và tốc độ tăng trong đóng góp vào GDP của ngành khai khoáng đều tăng mạnh. Cụ thể từ mức 18,6 nghìn tỷ đồng, tương đương với 4,37% GDP vào năm 2005 lên đến hơn 77,5 nghìn tỷ đồng, tương ứng khoảng 5,14% GDP, vào năm 2012. Tuy nhiên, kể từ sau năm 2012, đóng góp của ngành khai khoáng có xu hướng giảm mạnh trong cả cơ cấu lẫn giá trị. Nguyên nhân cho sự sụt giảm trong giai đoạn này là do sự biến động trong tổng cầu thế giới của các mặt hàng khoáng sản dẫn đến giá cả của các hàng hóa khoáng sản giảm tương đối đáng kể so với cuối năm 2012. Các doanh nghiệp trong nước cũng chịu tác động bởi giá cả của Thế giới nên sản lượng khai thác có sự sụt giảm mạnh trong giai đoạn 2013 – 2020.

Hình 1: Tổng giá trị và đóng góp vào GDP (cơ cấu %) của ngành khai khoáng tại Việt Nam, 2005-2020

Ghi chú: GDP của ngành khai khoáng không bao gồm đóng góp của ngành dầu khí được tính bằng cách lấy tổng GDP của toàn ngành bao gồm dầu khí trừ đi GDP của ngành dầu khí. GDP của ngành dầu khí được ước tính theo phương pháp thu nhập dựa trên các Báo cáo kiểm toán của PVN (GDP = Lợi nhuận sau thuế + Tiền trả nhân công + Thuế và các khoản phải trả cho Nhà nước + Khấu hao + Tô).

Nguồn: Tính toán từ dữ liệu của TCTK và Báo cáo kiểm toán của PVN

Chế độ tài chính và các khoản thu đối với hoạt động khai thác khoáng sản tại Việt Nam đã được quy rõ ràng trong 3 nhóm văn bản quy phạm pháp luật: (1) Nhóm văn bản quy phạm pháp luật quy định khoản thu trực tiếp đối với hoạt động khai thác tài nguyên gồm Luật thuế tài nguyên, Luật thuế bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản, Luật Phí và lệ phí cùng các văn bản hướng dẫn thi hành. (2) Nhóm văn bản quy phạm pháp luật quy định các khoản thu đối với các hoạt động trong đó có hoạt động khai thác tài nguyên gồm Luật thuế GTGT, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế xuất khẩu, Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cùng các văn bản hướng dẫn thi hành. (3) Nhóm văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thu gồm Luật Quản lý Thuế, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các văn bản chính sách này đều đã được đăng tải công khai.

Các khoản thu chính trong khai thác khoáng sản gồm tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu khoáng sản, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, các khoản phí và lệ phí khác.

Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản: Là số tiền tổ chức, cá nhân phải nộp khi tham gia khai thác khoáng sản, được tính dựa trên cơ sở giá, trữ lượng, chất lượng khoáng sản, loại hoặc nhóm khoáng sản, điều kiện khai thác khoáng sản. Phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được quy định trong Nghị định 67/2019/NĐ-CP.

Thuế tài nguyên: Phương thức thu thuế tài nguyên ở Việt Nam là phương pháp dựa vào giá trị tài nguyên. Quy định chung về giá tính thuế tài nguyên hiện nay là theo giá bán khoáng sản nhưng không được thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh quy định. Quy định về mức thuế suất đã đảm bảo nguyên tắc “tài nguyên không có khả năng tái tạo” thì áp dụng mức thuế suất cao, “tài nguyên có khả năng tái tạo” thì áp dụng mức thuế suất thấp. Luật Thuế tài nguyên 2009, sửa đổi 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã quy định về đối tượng chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, kê khai thuế,…

Thuế thu nhập doanh nghiệp: Chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp được quy định trong Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2008, sửa đổi năm 2020. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp khai thác thông thường là 20%. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam từ 32% đến 50% tùy thuộc vào từng dự án, từng cơ sở kinh doanh.

Thuế GTGT: Thuế GTGT đối với sản phẩm là tài nguyên, khoáng sản khai thác là 10%. Đối với tài nguyên, khoáng sản chưa được chế biến thành sản phẩm khác khi xuất khẩu thuộc diện không chịu thuế GTGT. Có thể thấy, chính sách thuế GTGT đối với sản phẩm tài nguyên của Việt Nam khá tương đồng với nhiều nước trên thế giới.

Thuế xuất nhập khẩu: Mức thuế xuất nhập khẩu thường xuyên được điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế và chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước. Theo biểu thuế xuất khẩu, thuế suất đối với mặt hàng thô cao hơn đối với mặt hàng đã qua chế biến, ví dụ, thuế xuất khẩu 2023 với đá ốp lát chưa mài, đánh là 20%, trong khi với đá ốp lát hoàn thiện là 10%. Đây là một trong những công cụ để bảo vệ nguồn tài nguyên và khuyến khích đầu tư vào chế biến sâu.

Thuế bảo vệ môi trường: Chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản được thực hiện theo Luật Thuế bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thuế bảo vệ môi trường đối với khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản giúp giảm ô nhiễm môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, theo quy định của Luật quản lý thuế 2019, đối tượng nộp thuế phải tự tính thuế và kê khai thuế với cơ quan quản lý thuế. Các khoản thu từ ngành khai khoáng (trừ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản) được thu theo cơ chế này. Cơ quan nhà nước quản lý thuế nói chung, quản lý thu thuế liên quan đến khai khoáng nói riêng theo cơ chế hậu kiểm. Tuy là nguồn thu chính từ lĩnh vực khai khoáng vào NSNN, tỷ trọng thuế tài nguyên trong NSNN khá khiêm tốn. Giai đoạn 2011- 2014, thu thuế tài nguyên chiếm trung bình khoảng 4,93% trong NSNN. Từ năm 2015, con số này có xu hướng giảm mạnh, chỉ còn chưa đầy một nửa so với giai đoạn trước. Năm 2020, tỷ trọng thuế tài nguyên trong tổng thu NSNN chưa đến 2%. Tỷ trọng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong thu NSNN rất nhỏ, chỉ 0,4% năm 2020, tuy nhiên tỷ trọng này có xu hướng tăng. Mặc dù số thu từ thuế tài nguyên chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ trong tổng thu NSNN, loại thuế này vẫn có tiềm năng tạo nguồn thu lớn ngân sách nhà nước, đảm bảo phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều quan điểm cho rằng nên đẩy mạnh đánh thuế lên các vấn đề tạo nên gánh nặng hoặc ngoại ứng tiêu cực để giảm gánh nặng thuế lên dân cư. Trong cơ cấu nộp thuế và phí của ngành khai khoáng hiện nay ở Việt Nam, 30% tổng thu từ khai khoáng là khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và thuế xuất nhập khẩu. Trong khi đó, 70% còn lại là các khoản nộp thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường (Adam Smith, 2013. Dẫn lại theo Đậu Anh Tuấn và cộng sự, 2015).

Hình 2: Tỷ lệ thu thuế tài nguyên và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản so với tổng thu NSNN, 2011 – 2020(%)

Nguồn: Quyết toán NSNN các năm 2011 – 2020

Tuy là nguồn thu chính từ lĩnh vực khai khoáng vào NSNN, tỷ trọng thuế tài nguyên trong NSNN khá khiêm tốn. Giai đoạn 2011- 2014, thu thuế tài nguyên chiếm trung bình khoảng 4,93% trong NSNN. Từ năm 2015, con số này có xu hướng giảm mạnh, chỉ còn chưa đầy một nửa so với giai đoạn trước. Năm 2020, tỷ trọng thuế tài nguyên trong tổng thu NSNN chưa đến 2%. Tỷ trọng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong thu NSNN rất nhỏ, chỉ 0,4% năm 2020, tuy nhiên tỷ trọng này có xu hướng tăng. Mặc dù số thu từ thuế tài nguyên chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ trong tổng thu NSNN, loại thuế này vẫn có tiềm năng tạo nguồn thu lớn ngân sách nhà nước, đảm bảo phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều quan điểm cho rằng nên đẩy mạnh đánh thuế lên các vấn đề tạo nên gánh nặng hoặc ngoại ứng tiêu cực để giảm gánh nặng thuế lên dân cư.

Một trong những lo ngại của cơ quan thuế là việc số thuế phải nộp dựa vào sản lượng khai thác doanh nghiệp tự kê khai có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp khai thấp hơn số liệu thực tế để trốn thuế. Nhưng trên thực tế, có nhiều mỏ sản lượng khai thác được lại nhiều hơn sản lượng đánh giá thăm dò được cấp phép, doanh nghiệp muốn được khai thác và nộp thuế nhiều hơn cũng không được do giới hạn của giấy phép. Từ đó dẫn đến nhu cầu nâng cấp mỏ, xin cấp phép lại (chuyển lên bộ). Nhưng điều này dẫn đến nhiều rủi ro. Thứ nhất doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ phải tạm dừng hoạt động trong thời gian chuyển đổi giấy phép, có thể kéo dài hàng năm, ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp. Thứ hai, liên quan đến việc cấp phép trước đây cần đánh giá việc sai sót là do nguyên nhân khách quan hay chủ quan bởi trữ lượng do doanh nghiệp thăm dò đã được hội đồng thẩm định phê duyệt. Khi mà các quy định về việc nâng cấp mỏ chưa được làm rõ thì sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp cố tình khai thác quá mức sản lượng được cấp phép, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Theo báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán nhà nước 2021 của Kiểm toán nhà nước (2022), một vài địa phương vẫn tồn tại hiện tượng khai thác vượt sản lượng so với giấy phép (như tỉnh Lạng Sơn, Ninh Bình); xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản chưa đúng quy định (như tỉnh Điện Biên; Quảng Ngãi); không kê khai (như tỉnh Ninh Bình) hoặc kê khai quyết toán thuế tài nguyên không theo từng chủng loại, hàm lượng khoáng sản (như tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang). Như vậy, có thể thấy việc cần thiết phải bổ sung các quy định về tăng cường quản lý thuế, đặc biệt là cơ chế phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan tài nguyên môi trường trong xác định sản lượng tài nguyên tính thuế để tránh việc thất thu cho ngân sách nhà nước.

Tài liệu tham khảo:

Đậu Anh Tuấn, Nguyễn Minh Đức, Trần Thanh Thủy, Trịnh Lê Nguyên, Dương Văn Thọ, & Lê Xuân Trường. (2015). Thực thi EITI để cải cách ngành công nghiệp khai thác khoáng sản ở Việt Nam. VCCI và Pan Nature.

Kiểm toán Nhà nước (2022). Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021 (báo cáo Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ III).