Thuế xăng dầu
Đăng vào 15/01/2023
Tại Việt Nam, xăng dầu là tên chung để chỉ các sản phẩm của quá trình công nghệ chưng cất, chế biến dầu thô, chất thải và các nguyên vật liệu khác để tạo ra các sản phẩm dùng làm nhiên liệu, bao gồm: xăng, nhiên liệu diezen, dầu hỏa, dầu madút, nhiên liệu hàng không, nhiên liệu sinh học và các sản phẩm khác dùng làm nhiên liệu, không bao gồm các loại khí hóa lỏng và khí nén thiên nhiên (khoản 2 điều 1, nghị định 95/2021/NĐ-CP). Xăng dầu được coi là một trong những nhiên liệu hóa thạch khó tái tạo và hạn chế sử dụng do sản lượng có hạn và gây ra ô nhiễm môi trường khi sử dụng. Hiệntại, xăng dầu tại Việt Nam đang phải chịu các loại thuế bao gồm thuế nhập khẩu (đối với xăng, dầu nhập khẩu), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT và thuế bảo vệ môi trường.
Tính đến hết năm 2022, thuế nhập khẩu đánh lên mặt hàng xăng dầu tại Việt Nam trong khoảng từ 5 đến 20% đối với mỗi loại hàng. Mặt hàng xăng dùng cho động cơ xe máy, oto hiện đang được áp thuế nhập khẩu ở mức 10% và 20%. Mặt hàng dầu được đánh thuế nhập khẩu ở mức 7%.
Chính phủ Việt Nam ban hành luật thuế tiêu thụ đặc biệt lần đầu tiên vào ngày 1/10/1990 (luật thuế tiêu thụ đặc biệt, 1990). Thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế gián thu; đánh vào một số loại hàng hóa, dịch vụ xa xỉ với mục đích điều tiết sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng của xã hội. Đồng thời giúp điều tiết thu nhập của người tiêu dùng. Thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt góp phần tăng thu Ngân sách Nhà nước, tăng cường quản lý sản xuất kinh doanh đối với những hàng hóa, dịch vụ chịu thuế. Thuế tiêu thụ đặc biệt do các cơ sở trực tiếp sản xuất ra hàng hoá đó nộp nhưng người chịu thuế là người tiêu dùng vì thuế được cộng vào giá bán. Xăng các loại được thêm vào đối tượng chịu thuế với thuế suất 15% khi luật thuế tiêu thụ đặc sửa đổi ngày 20/05/1998. Trong suốt giai đoạn 1998-2022, mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt áp dụng lên mặt hàng xăng dầu chỉ giảm một lần duy nhất vào năm 2003 và chi tiết hơn vào năm 2014. Mặt hàng dầu các loại không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Trước diễn biến phức tạp của giá dầu thế giới, ngày 07/7/2022, Bộ Tài chính trình Chính phủ đã dự thảo nghị quyết công văn số 9691/BTC-CST để trình Quốc hội giao thẩm quyền cho UBTVQH điều chỉnh giảm mức thuế TTĐB đối với xăng và thuế GTGT đối với xăng dầu với mức giảm 2 sắc thuế trên lên tới 50% so với hiện hành. So với các quốc gia khác trên thế giới, thuế tiêu thụ đặc biệt áp lên mặt hàng xăng dầu tại Việt Nam thấp hơn với một vài quốc gia trong khu vực ASEAN.
Bảng 1: Thuế suất tiêu thụ đặc biệt áp lên mặt hàng xăng tại Việt Nam
Mặt hàng | 1998 | 2003 | 2008 | 2014 |
Xăng các loại:
-Xăng -Xăng E5 -Xăng E10 |
15% | 10% | 10% |
10% 8% 7% |
Nguồn: Tổng hợp từ Luật thuế tiêu thụ đặc biệt
Xăng dầu là một trong những mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng ở mức thuế suất 10%. Giá tính thuế VAT của xăng dầu đã bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt (theo khoản b điều 7 luật thuế giá trị gia tăng). Mức thuế VAT áp dụng lên mặt hàng xăng dầu không có sự thay đổi từ năm 1997 (luật thuế VAT ra đời) đến nay. So với một số quốc gia khác trên thế giới, thuế VAT áp lên mặt hàng xăng dầu của Việt Nam đang ở mức trung bình. Thuế VAT áp lên mặt hàng xăng nhập khẩu ở Trung Quốc hiện đang ở mức 13%. Thái Lan áp mức thuế 7%. Vương Quốc Anh hiện đang áp 15% thuế VAT lên xăng dầu. Trong khi đó, Hoa Kỳ không đánh thuế VAT lên mặt hàng xăng xầu thay vào đó sử dụng thuế tiêu thụ đặc biệt liên bang. Mỗi bang tại Mỹ có thể đánh một mức thuế khác nhau lên mặt hàng xăng dầu. Điều này phụ thuộc vào chính sách của từng bang.
Bảng 2: Biểu thuế VAT áp dụng lên mặt hàng xăng dầu giai đoạn 1997-2022
1997 | 2003 | 2008 | 2013 | 2016 | 2018 | 2020 | 2021 | 2022 | |
Xăng dầu | 10% | 10% | 10% | 10% | 10% | 10% | 10% | 10% | 10% |
Nguồn: Tổng hợp từ luật thuế VAT và các nghị định liên quan
Việt Nam là một trong những quốc gia áp dụng trực tiếp thuế bảo vệ mội trường lên mặt hàng xăng dầu. Tại Việt Nam, theo luật thuế bảo vệ môi trường (2010), thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Thuế bảo vệ môi trường là thuế suất tuyệt đối, được tính bằng số tiền thu trên một đơn vị hàng hóa chịu thuế. Hiện nay, có 8 mặt hàng đang chịu thuế suất này bao gồm: (1) Xăng dầu các loại, (2) Than đá các loại, (3) Dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC), (4) Túi ni lông thuộc diện chịu thuế, (5) Thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng, (6) Thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng, (7) Thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng, (8) Thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng. Luật thuế BVMT số 57/2010/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012 quy định đối tượng chịu thuế và khung thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu như sau: Xăng, trừ etanol: 1.000 – 4.000 đồng/lít; Nhiên liệu bay: 1.000 – 3.000 đồng/lít; Dầu diesel: 500 – 2.000 đồng/lít; Dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn: 300 – 2.000 đồng/lít; Mỡ nhờn: 300 – 2.000 đồng/kg. Theo khoản 2 Điều 8 Luật thuế BVMT giao UBTVQH căn cứ vào Biểu khung thuế để quy định mức thuế cụ thể đối với từng loại hàng hoá chịu thuế bảo đảm các nguyên tắc phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ và được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hoá. Do ảnh hưởng từ dịch Covid 19 cùng diễn biến phức tạp của giá dầu thế giới, sau hai lần giảm thuế bảo vệ môi trường áp trên mặt hàng xăng dầu trong năm 2022, ngành xăng dầu hiện nay đang chịu mức thuế suất là 300-1000 đồng/lít.
Bảng 3: Biểu thuế bảo vệ môi trường tính trên mặt hàng xăng dầu tại Việt Nam giai đoạn 2010-2022 (VNĐ)
Hàng hóa | Đơn vị tính | Mức thuế suất | |||||
2010 | 2011 | 2018 | 23/03/2022 | 06/07/2022 | 2023 | ||
Xăng, trừ etanol | Lít | 1.000-4.000 | 1000 | 4000 | 2000 | 1000 | 2000 |
Nhiên liệu bay | Lít | 1.000-3.000 | 1000 | 3000 | 1500 | 1000 | 1000 |
Dầu diezel | Lít | 500-2.000 | 500 | 2000 | 1000 | 500 | 1000 |
Dầu hỏa | Lít | 300-2.000 | 300 | 1000 | 300 | 300 | 600 |
Dầu mazut | Lít | 300-2.000 | 300 | 2000 | 1000 | 300 | 1000 |
Dầu nhờn | Lít | 300-2.000 | 300 | 2000 | 1000 | 300 | 1000 |
Mỡ nhờn | Kg | 300-2.000 | 300 | 2000 | 1000 | 300 | 1000 |
Nguồn: Luật thuế bảo vệ môi trường và các nghị quyết liên quan, 2023
Thu từ dầu thô là một trong những nguồn thu quan trọng trong tổng thu ngân sách nhà nước tại Việt Nam. Việt Nam là một trong những quốc gia khai thác dầu thô trên thế giới. Việt Nam có nguồn dầu mỏ với trữ lượng khoảng 4,4 tỷ thùng/ngày, được xếp thứ 26 trong các quốc gia có trữ lượng dầu mỏ xác minh trên thế giới (GlobalFirepower, 2023).
Hình 1. Thu ngân sách từ dầu thô tại Việt Nam giai đoạn 2016-2022
Nguồn: MOF (2022)
Trong giai đoạn 2016-2022, trung bình mỗi năm 45,6 nghìn tỷ đồng từ dầu thô đã được đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước, chiếm khoảng 2,6% trong tổng thu NSNN tại Việt Nam. Nguồn thu từ dầu thô có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Giai đoạn 2016-2019, trung bình tỷ trọng thu từ dầu thô trên tổng thu ngân sách khoảng 2,99%, thấp hơn so với mức trung bình 10,03% của giai đoạn 2011 – 2015 và 18,94% của giai đoạn 2001 – 2010. Thu từ dầu thô năm 2020, 2021, 2022 chiếm lần lượt là 1,52%, 2,85%, 2% trong tổng thu NSNN. Có ba nguyên nhân được coi là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ trọng này giảm là (1) giá dầu thô thế giới giảm mạnh trong giai đoạn 2020-2022 do ảnh hưởng từ dịch COVID 19 và chiến tranh Nga- Ukraina; (2) Sản lượng khai thác dầu thô giảm so với giai đoạn trước; (3) Việt Nam thay đổi cơ cấu nguồn thu ngân sách nhà nước.
Tỷ trọng thu từ dầu thô trong tổng thu NSNN có xu hướng giảm được coi là xu hướng tất yếu. Nguồn trữ lượng dầu thô ở các mỏ dầu cũ ngày càng ít đi trong khi khai thác và tìm kiếm mỏ dầu mới ngày càng khó khăn khiến sản lượng khai thác giảm (giảm từ 17,23 triệu tấn năm 2016 xuống còn 10,97 triệu tấn 2021(VnExpress, n.d.)). Chính phủ đưa ra chiến lược thay đổi cơ cấu thu ngân sách, nâng cao tỷ trọng thu từ nội địa, ít phụ thuộc hơn vào dầu thô (Nguyễn, 2021). Việt Nam tích đầu tư công nghệ để chủ động trong việc sản xuất và chế biến dầu thô khai thác được khiến kim ngạch xuất khẩu dầu thô giảm, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Tài liệu tham khảo:
GlobalFirepower. (2023b). Proven Oil Reserves by Country. https://www.globalfirepower.com/proven-oil-reserves-by-country.php
MOF. (2022). Quyết toán và dự toán ngân sách nhà nước các năm 2001-2022. https://ckns.mof.gov.vn
Nguyễn, N. Q. (2021). Kết quả thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2020 và định hướng giai đoạn 2021—2030. https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM208816
VnExpress. (n.d.). Việt Nam đang khai thác, tiêu thụ xăng dầu ra sao? – VnExpress Kinh doanh. vnexpress.net. Retrieved March 21, 2023, from https://vnexpress.net/viet-nam-dang-khai-thac-tieu-thu-xang-dau-ra-sao-4462783.html