Để phát triển các dự án dầu, khí mới, Chính phủ Việt Nam hiện đang đề xuất sử dụng công cụ thuế, theo đó đưa ra những chính sách ưu đãi thuế để thu hút đầu tư nước ngoài và cạnh tranh với chính sách ưu đãi thuế của các nước trong khu vực. Thách thức nhất hiện nay vẫn là việc thu hút thêm đầu tư từ nước ngoài bằng các chính sách ưu đãi hợp lý và một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng.Tuy nhiên, việc áp dụng công cụ thuế để thu hút đầu tư nước ngoài Việt Nam cần phải có một chiến lược được hoạch định rõ ràng để có thể không chỉ thu hút vốn đầu tư mà còn phải thu hút được công nghệ và lợi ích cho xã hội và môi trường theo các mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Những đặc thù trong hoạt động thăm dò và khai thác dầu, khí tiềm ẩn nhiều rủi ro, đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn cũng như sự phụ thuộc vào việc áp dụng công nghệ mới và tối ưu trong khi dự đoán về giá khó chính xác. Việc tìm kiếm thăm dò, phát hiện các mỏ dầu khí trong 10 năm trở lại đây chủ yếu có quy mô nhỏ với các rủ ro ngày càng cao. Vấn đề của các mỏ với quy mô nhỏ ở đây là lợi nhuận cận biên thấp khiến các nhà thầu không muốn phát triển, đi kèm với đó là chính sách khuyến khích và chính sách đầu tư chưa được cải thiện nhiều nên dầu khí không còn là lĩnh vực đầu tự hấp dẫn như giai đoạn trước 2010. Đồng thời, các nhà đầu tư và các công ty dầu khí đang có những tuyên bố và chiến lược chuyển hướng đầu tư sang năng lượng tái tạo.
Thống kê cho thấy trong giai đoạn 1995-2020, Việt Nam đã khai thác tổng cộng 395,5 triệu tấn dầu, tương đương với khoảng 67,35% trữ lượng đã được phát hiện. Sản lượng khai thác hàng năm sụt giảm liên tục trong giai đoạn 2015-2021. Đây cũng là giai đoạn mà số lượng hợp đồng dầu khí được kí mới giảm đáng kể (chỉ có 5 hợp đồng), trong đó từ năm 2015-2019 mỗi năm chỉ ký được 1 hợp đồng, còn hai năm gần nhất (2020 và 2021) không có hợp đồng nào (Lê Hiệp, 2022). Việc gia tăng sản lượng phụ thuộc vào việc đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư, thăm dò và khai thác các mỏ tiềm năng.
Về sản lượng dầu thô, lượng dầu thô tiềm năng chưa khai thác đến năm 2021 là 2,1 tỷ thùng (1 barrel (thùng) = 159 lít), tương đương 338 triệu tấn dầu quy đổi. Năm 2010 sản xuất dầu thô đạt 312.000 thùng/ngày (th/ng) và đến 2020 giảm xuống còn 207.000 th/ng (BP, 2021). Với mức khai thác như hiện nay, dự báo lượng dầu sẽ cạn kiệt trong 22 năm, theo đó, lượng dầu thô tiềm năng sẽ còn 1,5 tỷ thùng vào năm 2025 và 1,2 tỷ thùng vào năm 2030. Sau nhiều thập kỷ, từ một nước xuất khẩu dầu thô, Việt Nam bắt đầu nhập dầu thô từ năm 2018 do trữ lượng khai thác sụt giảm. Hiện tại Cô Oét (Kuwait) đang là nước đứng đầu xuất dầu thô cho Việt Nam (chủ yếu cho nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, do Cô Oét chiếm 35,1% cổ phần). Ngoài ra, nguồn nhập khẩu dầu thô khác là từ Hoa Kỳ và Nga. Trước đây, Việt Nam nhập khẩu dầu thô cho Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (Dung Quất) từ Azerbaijan, Brunei, Australia, Malaysia & Myanmar (khoảng 5 triệu thùng năm 2020), và từ US WTI & Nigeria Bonny Light (10 triệu thùng).
Hình 1: Sản lượng khai thác dầu thô tại Việt Nam, 1995-2020 (triệu tấn)
Nguồn: Tổng cục Thống kê, 2022
Về khí tự nhiên, lượng khí chưa khai thác khoảng 640,2 tỷ m3 khí. Theo ước tính, lượng khí tiềm năng sẽ cạn kiệt trong vòng 66 năm nếu duy trì sản lượng khai thác ở mức như năm 2018 (9,7 tỷ m3). Khí hiện nay chủ yếu được khai thác tại các mỏ thuộc 2 bồn trũng Nam Côn Sơn (NCS), và Cửu Long (CL). Các bồn trũng chứa tiềm năng là Sông Hồng (SH) và Malay-Thổ Chu (ML-TC). Lượng khí khai thác chủ yếu cung cấp cho các nhà máy nhiệt khí khu vực miền Nam (khoảng 8 tỷ m3/năm), với sản lượng điện khí chiếm 9,7% tổng nguồn điện sơ cấp (2018). Hiện có 48 mỏ khí đang khai thác và 15 mỏ đang có kế hoạch phát triển. Các mỏ lớn gồm Bạch Hổ (từ 1986, chiếm 60% tổng lượng dầu thô khai thác hiện nay), Lan Tây-Lan Đỏ (2002), Rồng Đôi (2006), Hải Thạch-Mộc Tinh (2013), và khu vực chồng lấn Việt Nam-Malaysia PM3-CAA (2007). Các công ty nước ngoài chính có hợp đồng chia sản phẩm (PSC) với PVN là Gazprom, Rosneft, Mitsui, METI, KNOC, PTTEP và ONGC. Với mức khai thác như hiện nay, dự báo lượng khí tiềm năng chưa khai thác sẽ còn 592 tỷ m3 vào năm 2025 và 543 tỷ m3 vào năm 2030.
Hình 2: Sản lượng khai thác khí tại Việt Nam, 2000-2020 (tỷ m3)
Nguồn: Tổng cục Thống kê, 2022
Việc khí tự nhiên chiếm tỷ trọng cao hơn dầu thô tại các bể trầm tích, cộng với nhu cầu về nhiên liệu sạch tăng lên đã giúp cho tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp khí trở nên hứa hẹn. Trong giai đoạn 2000-2020, Việt Nam đã khai thác tổng cộng 157,8 tỷ m3 khí, tương đương với gần 20% trữ lượng khí đã được phát hiện. Từ đó có thể thấy tiềm năng khai thác khí của Việt Nam trong tương lai còn rất lớn. Mặc dù các nguồn cung khí hiện hữu, một số mỏ đang suy giảm nhanh (Lan Tây/Lan Đỏ, Rồng Đôi Rồng/Đôi Tây…), tuy nhiên nguồn cung cấp khí trong nước dự kiến có khả năng bổ sung thêm một số mỏ có trữ lượng lớn như: mỏ Cá Voi Xanh, lô B 48/95&52/97, mỏ Cá Rồng Đỏ và phát hiện mỏ khí Kén Bầu vào năm 2020. Ngoài ra, theo đánh giá trong 1,5-2,5 tỷ m3 dầu quy đổi tiềm năng, 75% là khí sẽ đóng góp không nhỏ vào tổng trữ lượng khí tự nhiên của quốc gia trong tương lai.
Trước năm 1993, một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để cho các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí được thực hiện là Nghị định số 115/1977/NĐCP ngày 18 tháng 4 năm 1977 của Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ về đầu tư của nước ngoài ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sau khi Luật Dầu khí 1993 và các luật khác điều chỉnh những hoạt động trong lĩnh vực dầu khí được ban hành, các hợp đồng PSC đã được điều chỉnh để phù hợp hơn với khuôn khổ pháp lý. Một số thay đổi của Luật Dầu khí liên quan đến chính sách thuế qua các thời kỳ được trình bày trong bảng dưới dây:
Bảng 1: Một số thay đổi của Luật Dầu khí qua các thời kỳ, 1993-2021
Các thông số | Luật Dầu khí 1993 | Luật Dầu khí 2000 | Luật Dầu khí 2008 | Luật Dầu khí 2022 | ||||
Dự án thông thường | Dự án khuyến khích | Dự án thông thường | Dự án khuyến khích | Dự án thông thường | Dự án khuyến khích | Dự án thông thường | Dự án khuyến khích | |
Thời hạn hợp đồng | Thăm dò: 5 năm (có thể kéo dài 1 năm)
Khai thác: 25 năm (có thể kéo dài 5 năm) |
Thăm dò: 7 năm (có thể kéo dài 1 năm)
Khai thác: 30 năm (có thể kéo dài 5 năm) |
Thăm dò: 5 năm (có thể kéo dài 2 năm)
Khai thác: 25 năm (có thể kéo dài 5 năm) |
Thăm dò: 7 năm (có thể kéo dài 2 năm)
Khai thác: 30 năm (có thể kéo dài 5 năm) |
Thăm dò: 5 năm (có thể kéo dài 2 năm)
Khai thác: 25 năm (có thể kéo dài 5 năm) |
Thăm dò: 7 năm (có thể kéo dài 2 năm)
Khai thác: 30 năm (có thể kéo dài 5 năm) |
Thăm dò: 5 năm (có thể kéo dài 5 năm)
Khai thác: 30 năm (có thể kéo dài 5 năm) |
Thăm dò: 10 năm (có thể kéo dài 5 năm)
Khai thác: 35 năm (có thể kéo dài 5 năm) |
Hoa hồng và các loại phí | Thỏa thuận | Thỏa thuận | Thỏa thuận | Thỏa thuận | Thỏa thuận | Thỏa thuận | Thỏa thuận | Thỏa thuận |
Thuế tài nguyên | Khí: 0-10% Dầu: 6-25% |
Khí: 0-6% Dầu: 6-20% |
Khí: 0-10% Dầu: 4-25% |
Khí: 0-6% Dầu: 4-20% |
Khí: 2-10% Dầu: 10-29% |
Khí: 1-6% Dầu: 7-23% |
Khí: 1-30%
Dầu: 6-40% |
Khí: 1-30%
Dầu: 6-40% |
Thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài | 10% | 5% | Bãi bỏ | Bãi bỏ | Bãi bỏ | Bãi bỏ | Theo quy định của pháp luật Việt Nam | Theo quy định của pháp luật Việt Nam |
Thuế thu nhập doanh nghiệp | 50% | 32% | 50% | 32% | 50% | 32% | 50% | 32% |
Phí bảo vệ môi trường | Không quy định | Không quy định | Không quy định | Không quy định | Áp dụng | Áp dụng | Áp dụng | Áp dụng |
Thu hồi chi phí (tối đa) | 35% | 70% | 50% | 70% | 50% | 70% | 50% | 90% |
Chia dầu/khí lãi | Thỏa thuận | Thỏa thuận | Thỏa thuận | Thỏa thuận | Thỏa thuận | Thỏa thuận | Thỏa thuận | Thỏa thuận |
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ các văn bản Luật Dầu khí giai đoạn 1993-2022
Tại Việt Nam, hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí được quản lý bởi Bộ Công Thương, trong khi đó, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) giữ vai trò độc quyền trong việc ký kết các hợp đồng dầu khí. Theo quy định tại Luật Dầu khí sửa đổi năm 2022, các hợp đồng dầu khí đối với lô, mỏ dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 32%, thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 10% và mức thu hồi chi phí tối đa 70% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm. Các hợp đồng dầu khí đối với lô, mỏ dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25%, thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 5% và mức thu hồi chi phí tối đa 80% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm. Các ưu đãi này theo chúng tôi là tương đối cao trong bối cảnh cuộc cạnh tranh xuống đáy về ưu đãi thuế trong thu hút FDI đã và đang diễn ra trong khu vực ASEAN. Trong vòng 10 năm qua, các nước thành viên ASEAN đang cạnh tranh với nhau trong một cuộc đua xuống đáy bằng cách giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp. Mức thuế suất trung bình của ASEAN đã giảm từ 25,1% vào năm 2010 xuống còn 21,7% vào năm 2020. Chính sách ưu đãi thuế không phải là vấn đề then chốt trong việc đẩy mạnh thu hút đầu tư. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các chỉ số về môi trường kinh doanh mới là các nhân tố quyết định trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư FDI, cụ thể là ổn định kinh tế, ổn định chính trị, thị trường nội địa, khung pháp lý minh bạch, chất lượng lao động, chất lượng cơ sở hạ tầng.
Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng nhanh và mạnh mẽ như hiện nay, các quy định pháp lý hiện tại chưa được điều chỉnh kịp thời để ứng phó với các vấn đề phát sinh. Mặc dù mục tiêu của việc sửa đổi Luật Dầu khí được đánh giá là đúng đắn nhưng chưa đầy đủ, cân nhắc đến những cơ hội và thách thức trong chiến lược và phát triển bền vững ngành dầu khí đặc biệt trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng và cam kết về mục tiêu giảm phát thải ròng của Việt Nam đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26. Việc cam kết giảm phát thải ròng sẽ tạo động lực không chỉ cho ngành dầu khí có định hướng phát triển bền vững mà còn là mục tiêu cho nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng một cách kiên định và đúng đắn. Thay vì tập trung cho các ưu đãi thuế, việc cải thiện môi trường kinh doanh mới là chìa khóa cho việc phát triển bền vững của Việt Nam trong tương lai (Nguyễn Đức Thành và cộng sự, 2021).
Tài liệu tham khảo:
BP (2021), Statistical Review of World Energy 2021, https://www.bp.com/content/dam/bp/business-sites/en/global/corporate/pdfs/energy-economics/statistical-review/bp-stats-review-2021-full-report.pdf.
Lê Hiệp (2022), Đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp dầu khí xuống 20%. https://thanhnien.vn/de-xuat-giam-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-dau-khi-xuong-20-post1482009.html.
Nguyễn Đức Thành, Phạm Văn Long, Hà Kiều Trinh, Herawati, Cut Nurul Aidha. 2021. Tầm quan trọng của môi trường kinh doanh trong thu hút FDI bền vững tại ASEAN. Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và Chính trị thế giới. Số 7 (303), 2021, trang 3-17.