Để thực hiện chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về ngành khai khoáng và thuế tài nguyên từ khoáng sản, Liên minh Công bằng thuế tìm kiếm tư vấn truyền thông cho dự án trong giai đoạn từ tháng 12/2022 đến tháng 3/2023.

Thuế là công cụ tài chính trọng yếu, gắn liền với sự tồn tại và phát triển của nhà nước và xã hội. Đánh thuế không đơn thuần để tạo ngân sách chính phủ mà còn mang nhiều ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị và xã hội. Một hệ thống thuế hữu hiệu là nền tảng của nền tài chính công, cho phép chính phủ thực hiện chức năng chính của mình là cung ứng hàng hóa công thiết yếu cho xã hội, qua đó thúc đẩy phúc lợi của người nộp thuế, đồng thời thực hiện các chính sách tài khóa. Chính sách tài khóa có thể nhằm tái phân phối nguồn lực và phúc lợi, đồng thời thực hiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi cần thiết. Như vậy, một hệ thống thuế được thiết kế tốt có thể giúp xã hội công bằng hơn, người dân được hưởng phúc lợi và có động lực đúng đắn để làm việc, qua đó tăng cường khả năng cạnh tranh và hội nhập của nền kinh tế.

Trong các loại thuế mà nhà nước đang thu hiện nay, thuế tài nguyên là công cụ quan trọng giúp nhà nước thực hiện vai trò và chức năng quản lý đối với hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Cho đến nay, việc thực hiện Luật Thuế tài nguyên 2009 đã góp phần bổ sung nguồn thu ngân sách, khuyến khích địa phương tăng cường công tác quản lý và thu thuế tài nguyên. Bên cạnh đó, việc thực hiện luật này cũng hạn chế hoạt động khai thác khoáng sản tràn lan và khai thác không phép. Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật Thuế tài nguyên cũng bộc lộ những bất cập như số thu ngân sách chưa tương xứng với sản lượng khai thác, khó kiểm soát đầy đủ sản lượng khai thác và số thuế phải nộp từ các doanh nghiệp khai thác hay vướng mắc trong quá trình kê khai và nộp thuế. Trong lĩnh vực khoáng sản, theo số liệu của Bộ Tài chính, số thu thuế tài nguyên từ khoáng sản (không bao gồm dầu khí) giai đoạn 2010-2017 chỉ đóng góp khoảng 0,9% – 1,1% tổng thu ngân sách.

Ở góc độ kinh tế – xã hội, việc khai thác tài nguyên khoáng sản, đặc biệt ở quy mô công nghiệp, đã tạo ra nhiều vấn đề bất cập gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, sinh thái, sức khỏe cộng đồng, công bằng xã hội,… Một trong các nguyên nhân then chốt tạo ra các bất cập này là do các lỗ hổng trong chính sách quản lý, đặc biệt đối với một quốc gia phụ thuộc nhiều vào khai thác tài nguyên như Việt Nam thì điều này có thể dẫn tới việc quản lý chuỗi giá trị của toàn bộ quá trình khai thác kém hiệu quả. Những lợi ích ngắn hạn không thể bù đắp các ảnh hưởng tiêu cực trong dài hạn.

Xuất phát từ thực tiễn kể trên, nhằm góp phần thúc đẩy công bằng xã hội, tăng cường hiệu quả thu chi từ thuế tài nguyên, Liên minh Công bằng thuế (VATJ) tiến hành thực hiện các dự án nghiên cứu và các chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức của công chúng về ngành khai khoáng và hoạt động thu thuế tài nguyên từ khoáng sản tại Việt Nam. Liên minh Công bằng thuế được thành lập vào năm 2018, là tập hợp các tổ chức, chuyên gia chia sẻ tầm nhìn vì một Việt Nam phát triển bền vững thông qua các chính sách thuế đảm bảo tính công bằng. Trong những năm qua, Liên minh Công bằng thuế (VATJ) đã tổ chức các hoạt động nghiên cứu và vận động nhằm thúc đẩy cải cách hệ thống thuế ở Việt Nam. Việc thực hiện các hoạt động đã đem lại những bằng chứng xác thực nhằm đóng góp ý kiến cho các cơ quan hành pháp và cơ quan dân cử ở Việt Nam trong việc ban hành các chính sách thuế. Ngoài ra, phát hiện từ các nghiên cứu cũng đã được sử dụng là đầu vào cho các chiến dịch truyền thông, bao gồm truyền thông qua mạng xã hội, để nâng cao nhận thức của cộng đồng về các chính sách thuế.

Kết quả các nghiên cứu về ngành khai khoáng được kỳ vọng sẽ giúp các nhà quản lý ở trung ương, địa phương và các nhà hoạch định chính sách soi chiếu, làm cơ sở và nền tảng cho việc quản trị hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, gia tăng đáng kể nguồn thu ngân sách nhà nước, giúp quản lý và điều tiết được công tác khai thác tài nguyên thiên nhiên bền vững trong dài hạn.

Truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo sự ảnh hưởng tới cơ quan nhà nước các cấp, cũng như nâng cao nhận thức của công chúng về trách nhiệm của chính quyền trong minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với hoạt động khai khoáng và thu thuế tài nguyên từ khoáng sản. Vì vậy, Liên minh Công bằng thuế tìm kiếm tư vấn truyền thông để thực hiện chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về ngành khai khoáng và thuế tài nguyên từ khoáng sản trong giai đoạn từ tháng 12/2022 đến tháng 3/2023.

(1) Mục tiêu hoạt động:
● Nâng cao nhận thức của cộng đồng về ngành khai khoáng và hoạt động thu thuế tài nguyên từ khoáng sản, cũng như nâng cao nhận thức về các chính sách tài khoá và công bằng thuế nói chung;
● Tạo cơ hội cho người dân được đóng góp ý kiến về các chính sách về ngành khai khoáng và thuế tài nguyên từ khoáng sản;
● Xây dựng cộng đồng có sự quan tâm, hiểu biết về chủ đề này nhằm tạo nền tảng cho các sự kiện có tính thời sự, lan tỏa hơn trong tương lai. Đồng thời, việc có một cộng đồng ủng hộ lâu dài sẽ giúp các hoạt động, khuyến nghị của Liên minh Công bằng thuế được đón nhận tốt hơn.

(2) Đối tượng đích:

● Độc giả trẻ (20 – 30 tuổi);
● Có quan tâm nhất định về các vấn đề xã hội, ủng hộ các giá trị chung như bảo vệ môi trường, bình đẳng trong xã hội, minh bạch…;
● Có nền tảng kiến thức ở mức cơ bản về kinh tế, chính sách.

(3) Hình thức:
Sử dụng các hình thức đa dạng, tận dụng những kênh truyền thông truyền thống kết hợp với hiện đại để tạo ra nhiều loại sản phẩm truyền thông ấn tượng, dễ hiểu nhằm tiếp cận đối tượng đích một cách hiệu quả và rộng rãi nhất, đồng thời khơi gợi sự tham gia tích cực của giới trẻ trong việc chia sẻ, lan tỏa thông điệp của dự án.

🔹 Thông tin cụ thể về hoạt động vui lòng xem tại 👉👉     
🔹 Hạn nộp hồ sơ ứng tuyển: 16/12/2022
🔹 Thời gian dự kiến bắt đầu công việc: Tháng 12/2022
—————–
Liên Minh Công bằng thuế Việt Nam (VATJ)