Ngày 25/6/2020, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp với tổ chức Oxfam, PRAKARSA và TAFJA tổ chức Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Hướng tới Chính sách Thuế Bền vững trong khối ASEAN – Trường hợp Ưu đãi Thuế Thu nhập Doanh nghiệp”.

Tải kết quả nghiên cứu: TẠI ĐÂY

Tải tóm tắt báo cáo tiếng Việt TẠI ĐÂY, tóm tắt báo cáo tiếng Anh TẠI ĐÂY

Tải tài liệu hội thảo tiếng Việt TẠI ĐÂY, tài liệu hội thảo tiếng Anh TẠI ĐÂY

Tải thông cáo báo chí tiếng Việt TẠI ĐÂY, thông cáo báo chí tiếng Anh TẠI ĐÂY

Xem video tường thuật trực tiếp Hội thảo với phần trình bày cùng nhiều ý kiến chuyên gia với ngôn ngữ tiếng Việt TẠI ĐÂY, ngôn ngữ tiếng Anh TẠI ĐÂY.

Tải phần hỏi đáp về nghiên cứu tiếng Việt TẠI ĐÂY, tiếng Anh TẠI ĐÂY

Ảnh hội thảo được cập nhật liên tục TẠI ĐÂY

Nghèo đói và bất bình đẳng trong khu vực ASEAN đã ở mức cao khi Đại dịch COVID-19 tấn công các nền kinh tế và xã hội càng cần nhiều nguồn lực công hơn để đầu tư vào an sinh xã hội và y tế toàn dân. Việc thu thuế và chi tiêu lũy tiến là những cách hiệu quả nhất để chống lại nghèo đói và giảm bất bình đẳng trong xã hội. Tuy có mức tăng trưởng bền vững trong nhiều thập kỷ và thu hút lượng lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài, các nước ASEAN vẫn thu được số tiền thuế thấp. Các quốc gia trong khu vực vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp, tuy nhiên, các chính phủ lại đang mất đi số tiền đáng kể này thông qua các chính sách ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Những khoản thu bị bỏ lỡ đó hiện đang rất quan trọng để trang trải phần lớn chi tiêu ngân sách cho COVID-19. Các nước ASEAN cần cải thiện huy động nguồn thu nội địa để vượt qua các thách thức liên quan như biến đổi khí hậu, gia tăng bất bình đẳng và mức độ nghèo đói cao trong khi phục hồi sau cuộc khủng hoảng COVID-19.

Xuất phát từ thực tiễn đó, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp với tổ chức Oxfam, PRAKARSA và TAFJA thực hiện nghiên cứu: “Hướng tới Chính sách Thuế Bền vững trong khối ASEAN – Trường hợp Ưu đãi Thuế Thu nhập Doanh nghiệp”. Mục tiêu chính của nghiên cứu là rà soát các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tại khu vực ASEAN, từ đó đưa ra các tham vấn chính sách về vấn đề này.

Tham dự Hội thảo có Đại diện của các cơ quan chính phủ, cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan lý luận và nghiên cứu trong nước và quốc tế, lãnh đạo các trường đại học và viện nghiên cứu, đại diện của nhiều sứ quán, các tổ chức phát triển quốc tế tại Việt Nam, các nhà tài trợ quốc tế, các hội và hiệp hội, các doanh nghiệp, ngân hàng và các cơ quan thông tấn báo chí. Về phía đại diện các Đại sứ quán có sự tham dự của Đại sứ quán Indonesia, Đại sứ quán Trung Quốc, Đại sứ quán Vương quốc Bỉ, Đại sứ quán Malaysia, Đại sứ quán Vương quốc Thái Lan, Đại sứ quán Lào tại Hà Nội; Đại diện các tổ chức quốc tế, NGO tại Việt Nam như UNDP, UNICEF, IMF, ADB, WB. Hội thảo còn có sự tham gia trực tuyến của Đại diện Bộ Tài chính, cơ quan chính sách Tài khóa, Tổng cục Thuế của Indonesia; Đại diện của Oxfam Châu Á, Oxfam Cambodia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Hà Lan và nhiều độc giả quan tâm khác.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu. Báo cáo này là cơ sở khoa học quan trọng để đóng góp vào những nỗ lực của Chính phủ các nước thành viên ASEAN trong hoạch định chính sách tăng nguồn thu trong nước và cung cấp những phân tích chi tiết về tình hình thuế tại ASEAN.

Phát biểu trong buổi Hội thảo, bà Babeth Ngoc Han Lefur, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết, khu vực ASEAN hiện đang phải đối mặt với tình trạng bất bình đẳng kinh tế chưa từng có. Một số quốc gia thành viên vẫn có tỷ lệ nghèo ở mức cao nhất trên thế giới, trong khi chính phủ của hầu hết các nước chưa có sự đầu tư đúng mức vào các dịch vụ công thiết yếu. Do vậy, cần quan tâm hơn về hệ thống thuế lũy tiến và chi ngân sách cho các dịch vụ công thiết yếu (y tế, giáo dục, an sinh xã hội). Đây là những biện pháp hiệu quả nhất để chống lại tình trạng đói nghèo và giảm bất bình đẳng.

Sau các phần phát biểu của đại biểu, TS. Nguyễn Đức Thành – Cố vấn trưởng VEPR đã thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày tổng quan về kết quả nghiên cứu. TS. Thành cho biết các nước thành viên của ASEAN đều cố gắng để thu hút FDI thông qua các ưu đãi thuế. Đôi khi các ưu đãi này vượt quá giới hạn và gây ảnh hưởng đến doanh thu thuế của các quốc gia. Ông cho rằng cần có sự phối hợp để xây dựng một hệ thống thuế lành mạnh, công bằng và bền vững hơn trong khi vẫn đảm bảo tính cạnh tranh của các quốc gia trong việc thu hút doanh nghiệp FDI.

Sau phần trình bày của TS. Nguyễn Đức Thành, ThS. Phạm Văn Long – Nghiên cứu viên VEPR trình bày chi tiết hơn về kết quả của nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, mặc dù các quốc gia thành viên ASEAN đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định trong nhiều thập kỷ, tuy nhiên hầu hết lại ghi nhận mức thu ngân sách tương đối thấp. Cụ thể, trong khu vực ASEAN, tỷ lệ thu ngân sách trên GDP thấp hơn đáng kể so với các nước OECD. Tỷ lệ trung bình ở ASEAN là 19,1% GDP năm 2018, chưa bằng một nửa so với mức trung bình ở các nước OECD và thấp hơn khu vực Mỹ Latinh và Caribe. Điều này dẫn đến khả năng đáp ứng hạn chế của ngân sách và tiếp tục gây ra thâm hụt ngân sách. Mức thâm hụt này tạo ra nhiều hệ lụy lớn cho khả năng đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ công, cơ sở hạ tầng và quản trị tốt. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thực trạng này là do trong khi các nước ASEAN phụ thuộc lớn vào nguồn thu từ thuế TNDN, thì các nước lại đang dần mất đi các khoản thu ngân sách khổng lồ thông qua việc cung cấp ưu đãi thuế lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Đáng chú ý, cũng giống như nhiều khu vực khác trên thế giới, các nước thành viên ASEAN đang cạnh tranh với nhau trong một “cuộc đua xuống đáy” bằng cách hạ thấp mức thuế TNDN và liên tục đưa ra các ưu đãi thuế rất lớn đối với các nhà đầu tư. Trong 10 năm qua, thuế suất trung bình thuế TNDN của khu vực đã giảm từ mức trung bình 25,1% (năm 2010) xuống còn 21,7% (năm 2020). Với thực trạng một số nước thành viên áp dụng thời gian ân hạn thuế lên tới 20 năm và các ưu đãi lớn khác dựa trên lợi nhuận, mức thuế suất trung bình thuế TNDN thực nộp giảm 9,4 điểm phần trăm.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, mặc dù các quốc gia thành viên ASEAN đang “đua” cạnh tranh thuế với nhau, tuy nhiên không có bằng chứng thực nghiệm nào cho thấy ưu đãi thuế làm tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài tại ASEAN, thậm chí thực tế còn ngược lại.

Đưa ra khuyến nghị để giải quyết thực trạng trên, nhóm nghiên cứu cho rằng, trước hết, ASEAN cần lập “danh sách đen” và “danh sách trắng” của các ưu đãi thuế nhằm làm rõ loại ưu đãi nào có lợi và loại nào không có lợi. Theo đó, tất cả những ưu đãi thuế có hại cần được đưa vào danh sách đen, đi kèm với kế hoạch và thời hạn cụ thể cho việc loại bỏ chúng. Danh sách đen nên bao gồm các ưu đãi thuế dựa trên lợi nhuận, như các ưu đãi thuế tạo ra mức thuế suất thấp cho lợi nhuận chịu thuế như ân hạn thuế, miễn thuế, chuyển lỗ và thuế suất ưu đãi.

Sau phần trình bày của các chuyên gia là phần bình luận, góp ý và câu hỏi từ phía các đại biểu tham dự hội thảo.

Sau phần thảo luận của các đại biểu là phần thảo luận bàn tròn của các diễn giả: TS. Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR); Ông Johan Langerock, Cố vấn Chính sách về thuế và bất bình đẳng, Oxfam; Ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam; Ông Nguyễn Việt Anh, Chuyên gia cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; TS. Tô Minh Thu, Giám đốc Trung tâm an ninh và phát triển, Viện Nghiên cứu Chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao. Điều hành phiên thảo luận này là Bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý cấp cao, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam.

Media Clipping:

  1. Cần chấm dứt ‘cuộc đua xuống đáy’ về ưu đãi thuế trong khối ASEAN
    http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thue-voi-cuoc-song/2020-06-25/can-cham-dut-cuoc-dua-xuong-day-ve-uu-dai-thue-trong-khoi-asean-88665.aspx
  2. ASEAN cần lập danh sách đen và danh sách trắng về ưu đãi thuế
    https://baoquocte.vn/asean-can-lap-danh-sach-den-va-danh-sach-trang-ve-uu-dai-thue-118220.html
  3. Ưu đãi chồng ưu đãi, ASEAN đứng trước ‘cuộc đua xuống đáy’ mới về thuế thu nhập doanh nghiệp
    https://vietnamfinance.vn/uu-dai-chong-uu-dai-asean-dung-truoc-cuoc-dua-xuong-day-moi-ve-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-20180504224240318.htm
  4. Cần có chính sách thuế tốt hơn để phát triển một cách công bằng và bền vững hậu Covid-19
    https://baoxaydung.com.vn/can-co-chinh-sach-thue-tot-hon-de-phat-trien-mot-cach-cong-bang-va-ben-vung-hau-covid-19-282722.html
  5. ASEAN 2020: Hướng tới chính sách thuế bền vững
    https://bnews.vn/asean-2020-huong-toi-chinh-sach-thue-ben-vung/160793.html
  6. Hướng tới chính sách thuế bền vững trong khu vực ASEAN
    http://dangcongsan.vn/kinh-te/huong-toi-chinh-sach-thue-ben-vung-trong-khu-vuc-asean-557815.html
  7. ASEAN cần chấm dứt ‘cuộc đua xuống đáy’ về ưu đãi thuế
    https://thoibaokinhdoanh.vn/thue-ngan-sach/asean-can-cham-dut-cuoc-dua-xuong-day-ve-uu-dai-thue-1070207.html
  8. ASEAN với ‘cuộc đua xuống đáy’ về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp
    https://baomoi.com/asean-voi-cuoc-dua-xuong-day-ve-uu-dai-thue-thu-nhap-doanh-nghiep/c/35494561.epi
  9. Cần xây dựng “danh sách đen” và “danh sách trắng” về ưu đãi thuế
    https://haiquanonline.com.vn/can-xay-dung-danh-sach-den-va-danh-sach-trang-ve-uu-dai-thue-128932.html
  10. Cần tiêu chuẩn chung về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong khu vực ASEAN
    http://www.daibieunhandan.vn/can-thiet-lap-muc-thue-thuc-nop-trong-khu-vuc-asean
  11. VEPR: Thiết lập mức thuế TNDN thực nộp từ 12,5-20% trong khu vực ASEAN
    https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/vepr-thiet-lap-muc-thue-tndn-thuc-nop-tu-125-20-trong-khu-vuc-asean-d13797.html
  12. Oxfam đưa ra ba khuyến nghị cho các quốc gia ASEAN để cải thiện chính sách thuế
    https://vietnambiz.vn/oxfam-dua-ra-ba-khuyen-nghi-cho-cac-quoc-gia-asean-ve-cai-thien-chinh-sach-thue-20200625164658346.htm
  13. ASEAN 2020: Hướng tới chính sách thuế bền vững trong khối
    https://www.vietnamplus.vn/asean-2020-huong-toi-chinh-sach-thue-ben-vung-trong-khoi/648395.vnp
  14. ASEAN với ‘cuộc đua xuống đáy’ về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp
    https://doanhnhanviet.net.vn/y-kien/asean-voi-cuoc-dua-xuong-day-ve-uu-dai-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-8321.html
  15. ASEAN cần lập danh sách đen và danh sách trắng về ưu đãi thuế
    http://thuonghieusanpham.vn/asean-can-lap-danh-sach-den-va-danh-sach-trang-ve-uu-dai-thue
  16. Cần có chính sách thuế tốt hơn để phát triển một cách công bằng và bền vững hậu Covid-19
    https://baomoi.com/can-co-chinh-sach-thue-tot-hon-de-phat-trien-mot-cach-cong-bang-va-ben-vung-hau-covid-19/c/35494922.epi